Sau thời gian chậm trễ cổ phần hóa do những khúc mắc trong việc định giá tài sản, ngày 30/9 tới đây sẽ là hạn cuối để Tổng Công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVCab) thực hiện cổ phần hóa mà không cần phải điều chỉnh lại giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2015 mà Đài Truyền hình Việt Nam công bố.
Dù được thành lập chưa lâu vào năm 2012 nhưng tiền thân của VTVCab chính là Trung tâm Kỹ thuật truyền hình Cáp (VCTV) đã tham gia ngành truyền hình trả tiền Việt Nam từ năm 1995. Với nguồn lực lớn từ Đài Truyền hình Việt Nam, VTVcab cùng với SCTV xác lập vị thế vượt trội so với các DN cùng ngành nhờ lợi thế vừa sản xuất nội dung vừa bán thuê bao. Từ phát triển hệ thống truyền hình cáp, VTVcab đến nay đã cung cấp truyền hình số vệ tinh và mới đây nhất là dịch vụ truyền hình trực tuyến. Đến nay, VTVcab đang phát sóng 200 kênh truyền hình, trong đó có 70 kênh truyền hình HD.
Lợi nhuận của công ty chủ lực suy giảm
Tính đến cuối 2016, VTVcab có vốn điều lệ 458 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh của riêng công ty mẹ VTVCab trong năm 2016 là 2.045 tỷ doanh thu thuần và 68,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng trưởng 11,3% và 5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, quan sát dài hơn từ năm 2014 có thể thấy, hoạt động kinh doanh của toàn hệ thống VTVCab không tăng trưởng, thậm chí lợi nhuận hợp nhất 2015 giảm so với 2014. Báo cáo tài chính công bố gần nhất cho năm 2016 của VTVCab chưa bao gồm kết quả hợp nhất từ các công ty con. Tuy vậy, CTCP Công nghệ Việt Thành (VITA) đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán cho năm 2016 với lợi nhuận sụt giảm khá mạnh.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016 của CTCP Công nghệ Việt Thành (VITA) - Công ty con do VTVCab nắm 51% vốn cho thấy, trong năm 2016, hoạt động kinh doanh của Việt Thành bất ngờ suy giảm mạnh. Doanh thu thuần trong năm 2016 của Việt Thành giảm 16% xuống còn 160 tỷ đồng, lợi nhuận sau thế giảm 40% xuống còn 60 tỷ đồng.
Hoạt động của đơn vị chủ lực đang suy giảm khi mức độ cạnh tranh cao
VITA chính là DN hợp tác với VTVCab kinh doanh truyền hình cáp tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Kể từ khi VTVCab đầu tư 51% vốn vào VITA năm 2013, doanh nghiệp này đã trở thành một cổ máy kinh doanh siêu lợi nhuận với mức biên lãi gộp trên 50%/năm và biên lợi nhuận ròng bình quân khoảng 40%. Tuy nhiên, trong năm vừa qua cho thấy tình hình kinh doanh không còn dễ dàng như trước.
VITA cho biết, trong năm 2016, tình hình thị trường truyền hình cáp tại Tp.HCM và Đồng Nai tiếp tục giai đoạn khó khăn để duy trì số thuê bao Analog. Việc phải cạnh tranh trực tiếp với nhiều nhà cung cấp dịch vụ như SCTV, Viettel, FPT, Mobile TV…đã làm ảnh hưởng lớn đến tình hình thuê bao và doanh thu từ dịch vụ truyền hình cáp của Công ty.
Với nhận định thị trường còn nhiều khó khăn, công ty phải đầu tư thêm vào máy móc thiết bị để nâng chất lượng, giữ khách hàng nên dự kiến kế hoạch lợi nhuận sẽ còn giảm trong năm 2017. Kế hoạch mà VITA đưa ra là 178 tỷ đồng doanh thu và 56 tỷ đồng lợi nhuận sau thế cho năm nay.
Có thể nói, với VITA đơn thuần chỉ là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà cung cấp. Nhưng với công ty mẹ VTVCab, cạnh tranh không chỉ giữa các nhà đài với nhau bởi hoạt động kinh doanh của VTVCab còn liên quan đến sự bùng nổ của các dịch vụ giải trí trực tuyến và thiết bị di động. Ngày nay, người trẻ Việt Nam đang là những người dẫn đầu về thời lượng truy cập internet và khi mà giá cả các thiết bị di động giờ đây quá rẻ và các dịch vụ mạng đã phủ rộng đến hơn 94% dân số đang là nổi lo với các nhà đài.
Chờ đối tác chiến lược mạnh
Tính đến cuối năm 2016, nợ phải trả của VTVcab vào khoảng 1.936 tỉ đồng, chiếm đến 80% tổng nguồn vốn. Trong đó nợ ngắn hạn là 1.329 tỉ đồng, vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 500 tỷ đồng khiến đơn vị kiểm toán lo ngại về khả năng thanh khoản của công ty.
Dù ban lãnh đạo VTVCab vẫn tin rằng Công ty vẫn duy trì khả năng thanh toán các công nợ khi đến hạn bằng dòng tiền tạo ra từ hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty và các nguồn vốn khác trong đó có các khoản vay ngân hàng. Tuy nhiên, lo ngại hoạt động kinh doanh kém dần và nợ tăng lên là hoàn toàn thực tế. Trong năm 2016, VTVCab đã tăng vay nợ ngân hàng thêm gần 330 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn.
Vấn đề đặt ra là nhà đài này sẽ làm gì để tăng trưởng và đảm bảo nguồn thu nhập khi vừa phải cạnh tranh cùng ngành vừa phải đối chọi với các ứng dụng trực tuyến đang phát triển với tốc độ quá nhanh? Với sự thay đổi quá nhanh của công nghệ, để thích nghi với sự thay đổi và tìm cơ hội kinh doanh hiệu quả đòi hỏi phải có một nguồn lực về nhân lực và cả về tài lực.
Trong năm 2016, VTVCab đã góp 25% cổ phần vào Công ty TNHH Mua sắm tại nhà VTV Huyndai và 20% vốn vào Công ty CP Truyền thông, Quảng cáo đa phương tiện…Đây là một phần trong kế hoạch phát triển tiếp theo của công ty. Tuy nhiên, những nỗ lực của VTVCab đến nay vẫn chưa thể hiện rõ ràng hướng phát triển sau cổ phần hóa.
Trong đợt cổ phần hóa lần sắp tới, VTVCab cũng đang cho thấy nỗ lực tìm các đối tác chiến lược mạnh và có thể gắn bó lâu dài với doanh nghiệp để đưa VTVCab phát triển vững mạnh hơn. Yêu cầu của VTVCab đưa ra ngoài các tiêu chí về tài chính như nhà đầu tư có vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng, 3 năm liên tiếp kinh doanh có lãi, không lỗ lũy kế và tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2016 tối thiểu 10%.
Không kém phần quan trọng là nhà đầu tư phải cam kết bằng văn bản trong việc gắn bó lâu dài và hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hóa về chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, quản trị doanh nghiệp, cung ứng nguyên vật liệu…Bên cạnh đó, nhà đầu tư chiến lược cũng không được là cổ đông lớn, hoặc cổ đông chiến lược của đối thủ cạnh tranh trực tiếp với VTVCab tại Việt Nam.
Nguyên Trực