HĐQT Công ty Cổ phần Thép Việt – Ý (mã VIS) vừa lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc hủy tư cách công ty đại chúng và hủy niêm yết toàn bộ cổ phiếu của Công ty.
Theo đó, nguyên nhân hủy niêm yết là do cơ cấu cổ đông Thép Việt Ý có 2 cổ đông lớn nắm 93,81% vốn và cổ đông không phải cổ đông lớn chiếm 6,19%. Do đó, Công ty không đáp ứng điều kiện có tối thiểu 10% vốn do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải cổ đông lớn nắm giữ theo Luật Chứng khoán 2019.
Bên cạnh đó, mục đích của việc hủy tư cách công ty đại chúng, hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu là giúp Công ty không bị mất cơ hội kinh doanh tại miền Bắc, nơi có sự cạnh tranh khốc liệt hơn trong tương lai và tại thị trường Việt Nam nói chung, nơi được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ổn định.
Đồng thời, mức độ ban hành những quyết sách trong công tác điều hành và quản lý sẽ được thực hiện nhanh chóng. Từ đó góp phần giảm chi phí và cải thiện hiệu quả bằng cách loại bỏ các thủ tục bắt buộc đối với các công ty đại chúng/công ty niêm yết.
Từ những lý do trên, HĐQT trình ĐHĐCĐ xem xét thông qua việc hủy 73,8 triệu cổ phiếu VIS dự kiến trong quý 1/2022.
Bên cạnh đó, HĐQT lấy ý kiến cổ đông chủ trương đầu tư nhà máy cán thép công suất 500.000 tấn/năm tại Hải Phòng. Tổng đầu tư khoảng 80 triệu USD, sản phẩm chính là thép thanh vằn đường kính từ D10:D51mm dùng cho xây dựng, thép thanh tròn trơn và thép dây cuộn.
Hiện tại, VIS có nhà máy luyện thép với công suất 552.000 tấn/năm tại Hải Phòng và nhà máy cán thép tại Hưng Yên với công suất 350.000 tấn/năm, chủ yếu sản xuất và kinh doanh vật liệu thép xây dựng. Công suất thặng dư của quá trình luyện thép chủ yếu bán thành phẩm ra bên ngoài. Cùng với đó, dự kiến năm 2022, nhà máy luyện thép tại Hải Phòng đổi mới máy biến áp cũ cho lò điện thì sản lượng luyệt thép có thể tăng lên 650.000 tấn.
Việc đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất cán thép tại Hải Phòng, sử dụng phôi thép nóng nhằm tận dụng nhiệt lượng tiết kiệm chi phí nung lại phôi, tiết giảm chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian các khâu sản xuất từ sản xuất phôi thép và ra thép thành phẩm. Ban lãnh đạo cũng đánh giá việc đầu tư xây dựng tích hợp sản xuất phôi thép và cán thép cán nóng cũng là xu thế tất yếu của các nhà máy sản xuất thép lớn và đảm bảo khả năng cạnh tranh về chi phí tại thị trường miền Bắc Việt Nam.
Về nguồn vốn vay, Công ty sẽ thực hiện vay ngân hàng do Kyoei Steel bảo lãnh hoặc vay từ chính Kyoei Steel. Thời gian bắt đầu thực hiện từ tháng 2/2022, thời gian đi vào hoạt động dự kiến từ tháng 7/2023.
Công ty đặt ra hai kịch bản, trong bối cảnh thuận lợi, năm đầu đi vào sản xuất khối lượng sản xuất sẽ đạt 100.000 tấn/năm, từ năm thứ 4 trở đi là 500.000 tấn/năm. Ngược lại, trong bối cảnh khó khăn, VIS dự tính từ năm thứ 8 trở đi sẽ bắt đầu sản xuất 500.000 tấn/năm.
Minh Minh