Giới chuyên gia Việt Nam và cả quốc tế đều cho rằng VinFast là xe cao cấp. Hai mẫu sedan và SUV được đặt ra so sánh với xe Đức như BMW và Audi. Những khoản đầu tư mạnh tay mua bản quyền, những hình ảnh nội, ngoại thất xe VinFast được hé lộ sớm càng củng cố cho nhận định đó.
Công nghệ của BMW áp dụng lên xe VinFast có thể là hệ thống gầm bệ, rồi đến động cơ và trang bị nội, ngoại thất. Thiết kế của studio đến từ Italy nhưng kiểu dáng xe đậm chất Đức. Mẫu sedan góc cạnh, có đầu và đuôi xe dài, hốc bánh lớn và bộ vành cũng có kích thước không hề nhỏ. Nội thất xe VinFast có thể coi là bản Việt hóa của BMW, với những chi tiết quen thuộc như vô-lăng và cần số gật gù đặc trưng của hãng xe Đức. Nhiều tính năng an toàn cũng được dự đoán thông qua hình ảnh mới nhất của bản concept.
Do đó, giá xe VinFast khó có thể dưới mức 1 tỷ đồng được. Một chiếc BMW 5-Series đã có giá khởi điểm 52.000 USD tại Mỹ (1,2 tỷ đồng).
Với mức giá như vậy, Mercedes-Benz sẽ là đối thủ tầm cỡ với VinFast tại Việt Nam. Đây là hãng xe sang bán tốt nhất trong nước với doanh số chủ yếu đến từ C-Class (sedan) và GLC (SUV) - 2 dòng xe mà VinFast đang phát triển. Để cạnh tranh, VinFast có những điểm mạnh gì?
Mạng lưới đại lý dày đặc
Với 14 trung tâm bán hàng và dịch vụ ủy quyền trên cả nước, Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) sở hữu hệ thống đại lý xe sang lớn nhất về mặt số lượng. Về phía VinFast, công ty này cũng nhanh chóng thâu tóm toàn bộ hệ thống đại lý của GM Việt Nam ngay trước khi ra mắt những mẫu xe mới. Hệ thống này gồm 22 đại lý, gấp hơn 1,5 lần so với MBV. Là ông lớn ngành bất động sản và xây dựng, Vingroup sẽ không khó để mở rộng quy mô hệ thống phân phối xe của mình, nhất là khi họ đang có sẵn nhiều trung tâm thương mại để trưng bày.
Nguồn cung linh kiện, phụ tùng dồi dào, giá phải chăng?
Một khu công nghiệp phụ trợ riêng được xây dựng trong khuôn viên khu tổ hợp nhà máy của VinFast tại Hải Phòng. Linh kiện, phụ tùng ô tô sẽ được xuất xưởng từ đây. Nguồn cung dồi dào, không chịu chi phí nhập khẩu và hỗ trợ thuế của nhà nước với những sản phẩm sản xuất trong nước là ưu thế của VinFast so với hãng xe khác như Mercedes-Benz. Phụ tùng xe Mercedes-Benz chính hãng vẫn phải nhập từ châu Âu, giá không hề rẻ.
Giá phụ tùng Mercedes-Benz không hề rẻ. Ảnh: GLC Club.
Giả sử cùng mức tiền 1,5 tỷ đồng mua một chiếc Mercedes-Benz C-Class và VinFast sedan nhưng chi phí đồ thay thế, bảo dưỡng của xe VinFast có thể thấp hơn. Dẫu biết người Việt vẫn đặt nặng vấn đề thương hiệu, nhất là với những món đồ đắt tiền, VinFast lại khá mới mẻ, nhưng cách mà Vingroup gây dựng hình ảnh cho công ty ô tô của mình sẽ giúp đẩy nhanh giá trị thương hiệu.
Tiền đề để phát triển xe phổ thông
Các hãng xe thường áp dụng công nghệ mới và cao cấp lên những sản phẩm đắt tiền trước, sau đó mới bình dân hóa để đưa vào dòng xe phổ thông hơn. Lấy ví dụ như chìa khóa cảm ứng dụng trên BMW 7-Series đầu tiên và hiện tại đã có mặt trên 6-Series và 5-Series. Rồi đến màn hình kép độ phân giải cao xuất hiện trên S-Class, sau đó mới phổ cập trên các dòng khác. Hiện tại, A-Class mới đã có công nghệ này.
Công nghệ hiện đại được ứng dụng trên dòng cao cấp trước, sau đó mới đưa lên các sản phẩm cấp thấp hơn. Ảnh: Mercedes-Benz.
Do đó, việc ra mắt sản phẩm hạng sang trước tiên của VinFast không có gì lạ. Công nghệ trên mẫu xe này sẽ được nghiên cứu và tối ưu hóa để có thể áp dụng vào những mẫu xe cấp thấp hơn được sản xuất trong những năm sau. Làm xe sang cũng giúp VinFast cân đối giá thành vô số hạng mục để phục vụ sản xuất đại trà nhiều dòng xe.
Xây dựng hình ảnh thương hiệu, không thể khởi đầu bằng xe giá rẻ
Qua những khoản đầu tư mạnh tay của Vingroup trong việc xây dựng thương hiệu VinFast cũng như phát triển các mẫu ô tô, có thể thấy hãng xe Việt muốn đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu. Bộ máy quản lý cao cấp của VinFast hầu hết là những người từng giữ chức vụ cao tại GM. Ô tô VinFast mang công nghệ của BMW, GM, hay các hãng Bosch, Siemens, thiết kế bởi studio Pininfarina hàng đầu thế giới.
Xe VinFast được áp dụng nhiều công nghệ châu Âu. Ảnh: Vingroup.
Khởi đầu bằng những mẫu xe cao cấp sẽ tạo được sự tin tưởng từ khách hàng và các đối tác. Chiến lược phát triển lâu dài cả về thương hiệu lẫn sản phẩm không cho phép VinFast làm ô tô giá rẻ ngay từ những ngày đầu gia nhập thị trường. Yếu tố cạnh tranh về giá và doanh số khi đó chỉ là thứ yếu.
Xây dựng công ty mới, phát triển một lĩnh vực mới để cuối cùng là có được lợi nhuận nhưng có lẽ với VinFast, đó là bước đi kế tiếp. Trước tiên, xây dựng thương hiệu vẫn là yếu tố sống còn với doanh nghiệp mới đặt chân vào thị trường này. Vingroup đang có nguồn tài chính lớn trong các lĩnh vực khác, tiêu biểu là bất động sản, để rót vốn vào phát triển ô tô.
Theo Đức Khôi
Trí thức trẻ