Taị văn bản mới nhất liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho CTCP ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, Bộ đã có nhiều công văn trả lời cho các kiến nghị tháo gỡ khó khăn của Vinaxuki.
Trong các văn bản này, Bộ Tài chính đã nêu rõ quan điểm về chính sách tín dụng, công ty này cần chủ động liên hệ với Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để được hướng dẫn.
Với chính sách thuế nhập khẩu ô tô tải, đại diện Bộ Tài chính cho biết, cam kết thuế nhập khẩu hiện đang được cắt giảm theo đúng lộ trình cam kết WTO và cam kết ASEAN-Trung Quốc.
Ngoài ra, để hỗ trợ sản xuất lắp ráp trong nước, tháng 11/2015, Bộ Tài chính đã có văn bản sửa đổi thuế nhập khẩu theo hướng tăng thuế nhập khẩu ưu đãi xe tải nguyên chiếc dưới 45 tấn bằng mức trần cam kết (từ 25% đến 70% tùy theo tải trọng xe) và tăng thuế nhập khẩu 1 số lợi xe tải chuyên dùng (xe tải đông lạnh, xe thu gom phế thải,...) từ 15% lên 20%.
"Như vậy, chính sách thuế nhập khẩu đã góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe tải trong nước trong đó có Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên" văn bản của Bộ Tài chính nêu.
Tình trạng khó khăn của Vinaxuki đã được công ty này thừa nhận và có văn bản gửi các cơ quan chức năng từ năm 2014. Đặc biệt, trong năm 2015, công ty này tiếp tục có thông báo việc bán nhà máy sản xuất ô tô số 1 Mê Linh (Hà Nội) để trả nợ cho ngân hàng và các tổ chức cá nhân.
Nợ của Vinaxuki tính đến cuối 2012 tại các ngân hàng
Trước đó, từng trao đổi với PV, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Vinaxuki từng cho biết, đã 3-4 năm nay ngân hàng không cho Vinaxuki vay. Nguyên nhân là phía ngân hàng cho rằng đầu tư vào công nghệ hiện đại không hợp với ngân hàng thương mại. Vinaxuki từng đề nghị Chính phủ cho Vinaxuki vay bằng tiền của Ngân hàng Phát triển nhưng cũng không được.
"Ngân hàng thậm chí không nhận tài sản thế chấp vì cho rằng đây chỉ là điều kiện cần, không đủ và chỉ cho vay ngắn hạn", ông Huyên phân trần.
Theo số liệu thống kê, đến 31/12/2012, dư nợ cả gốc và lãi của Vinaxuki tại các ngân hàng là khoảng 1.374 tỷ đồng. Trong đó, tại BIDV là 600 tỷ đồng, tại Vietinbank là 130 tỷ đồng, tại Vietcombank là 594 tỷ đồng. Số nợ đến cuối năm 2014 vừa qua tổng nợ của Vinaxuki lên đến hơn 1.600 tỷ đồng.
Do lãi suất tăng cao và suy giảm của nền kinh tế, nên cuối năm 2012, Vinaxuki đã có một số khoản nợ quá hạn. Vietcombank đã bán khoản nợ của Vinaxuki cho Công ty mua bán nợ quốc gia (VAMC).
Theo Nguyễn Thảo
BizLIVE