Theo Deal Street Asia đưa tin, các quỹ đầu tư thuộc VinaCapital – một trong những công ty quản lý quỹ lớn nhất ở Việt Nam – đã thoái vốn khỏi các khoản đầu tư vốn cổ phần tư nhân và bất động sản tại Việt Nam.
Tài liệu được công bố ngày 15 và 16/11 vừa qua cho thấy Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) đã chuyển số tài sản mà quỹ đang nắm giữ sang một quỹ mới được thành lập. VOF không nói rõ đó là những tài sản gì.
Là một quỹ đầu tư vào nhiều loại tài sản, VOF đã đầu tư vào nhiều loại hình công ty ở Việt Nam, từ công ty niêm yết, công ty vốn cổ phần tư nhân đến trái phiếu và cổ phiếu của các tập đoàn nhà nước đã được cổ phần hóa.
Tính đến ngày 30/6/2016, sau khi đã kiểm toán tổng giá trị tài sản ròng của VOF đạt 60 triệu USD. VinaCapital cho biết quỹ sẽ nhận được thu nhập ròng tối thiểu 100 triệu USD từ vụ thoái vốn này. Quỹ đã được thanh toán khoản đầu tiên (37 triệu USD). Số tiền còn lại được trả làm 2 lần trong các năm tiếp theo.
Số tiền thu được từ vụ thoái vốn này sẽ được sử dụng để đầu tư vào các cơ hội khác cũng như mua cổ phiếu quỹ.
Vì sự phức tạp của vụ thoái vốn, ông Don Lam, CEO của VinaCapital, sẽ tiếp tục tham gia quản lý số tài sản này và sẽ tham gia vào quỹ mới với tư cách không kiểm soát.
Trong khi đó, thông qua 2 quỹ đầu tư là VinaLand (VNL) và Vietnam Infrastructure (VNI). VinaCapital đã hoàn thành việc thoái vốn tại 2 dự án bất động sản.
Số cổ phần tại khu phức hợp Long An SEA được VNI chuyển nhượng cho Đồng Tâm JSC, đối tác của quỹ trong dự án này. VNI nhận được 2,373 triệu USD sau khi đã trừ thuế phí và được cho là thu về lợi nhuận 185.000 USD.
Theo Tony Hsun, lãnh đạo của VNI, hiện quỹ chỉ còn một khoản đầu tư ở Việt Nam là hệ thống viễn thông trong tòa nhà (IBS) của Southeast Asia Telecommunications Holdings (SEATH). Hiện SEATH nắm 100% cổ phần của 3 công ty cung cấp trạm phát sóng cho điện thoại di động (BTS) ở Việt Nam, bao gồm VNC – 55 Infrastructure JSC, Mobile Information Service JSC và Global Infrastructure Investment JSC.
Vụ thoái vốn mới nhất đã hoàn thành của VNL là tại dự án Ceana mà VNL thâu tóm năm 2007. Đây là dự án rộng 7,3 hecta tại Điện Bàn, Quảng Nam, dự kiến dùng để xây khu nghỉ dưỡng. VNL cho biết đã thu được 7,6 triệu USD.
Nhờ thị trường bất động sản tiếp tục hồi phục, điều kiện kinh tế và tín dụng cải thiện cũng như lực cầu tăng, hoạt động thoái vốn và kinh doanh của VNL đã khởi sắc trong năm 2016. Kể từ năm 2012 hãng đã hoàn tất 17 vụ thoái vốn toàn bộ và 2 vụ thoái vốn một phần.
Điều này cho phép quỹ tăng lượng tiền phân phối cho cổ đông. Trong quãng thời gian từ 31/12/2012 đến nay, quỹ đã giảm nợ từ 88 xuống còn 73 triệu USD và trả cho cổ đông 86 triệu USD.
Thu Hương
Deal Street Asia