Trên kệ mỳ ăn liền ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi, mỳ gói cũng dần nhường chỗ cho mỳ tô, mỳ ly với giá cao gấp 2-3 lần.
Người dùng “ăn” hình ảnh minh họa quá lâu
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan, đơn vị đang làm chủ 24% thị phần mỳ gói trên thị trường, cho rằng thật bất công khi Việt Nam là nước tiêu thụ mỳ ăn liền đứng thứ 4 thế giới nhưng người tiêu dùng chưa được cung cấp một gói mỳ ngon đúng nghĩa.
“Chúng ta đã đối xử bất công với người dùng rất lâu khi trên gói mỳ là hình ảnh thịt gà, thịt bò hấp dẫn, nhưng rồi bắt họ lật ra mặt sau, tìm đọc dòng chữ rất nhỏ để biết hình ảnh có tính chất minh họa, điều này là vô lý”, ông Quang nói.
Các hãng đang đua nhau sản xuất "mỳ có thịt" thật sự. Ảnh: Hà Yên.
Chủ tịch Masan thừa nhận thị trường mỳ ăn liền đang bước vào cuộc cạnh tranh rất khốc liệt nên năm 2016, ngành hàng này của doanh nghiệp không tăng trưởng.
Chiếm thị phần 25% trong năm 2015, đến 2016 Masan còn 24% thị phần và hướng đi mới là không cạnh tranh về giá, tập trung đầu tư cho sản phẩm tiện lợi, cao cấp hơn.
Một trong những sản phẩm đó là mỳ gói bổ sung thịt thật vừa ra mắt. Giá bán loại “mỳ có thịt” này cũng tăng hơn sản phẩm cùng nhãn hiệu trước đây khoảng 1.000 đồng/gói.
Nhưng Masan không phải là doanh nghiệp đi đầu xu hướng tiêu dùng này. Vifon đang sở hữu khá nhiều sản phẩm có thịt thật gồm cả mỳ, bún phở, miến, cháo ăn liền các loại với thịt bò, thịt gà, thịt heo... Tuy nhiên, mức giá cho sản phẩm có bổ sung túi thịt hầm nguyên chất, sử dụng nguyên liệu rau xanh này không hề mềm, ở mức trên dưới 15.000 đồng/tô với các loại phở bò, phở gà, miến...
Doanh nghiệp chiếm 50% thị phần mỳ gói tại Việt Nam là Acecook cũng có những ly mỳ với tôm, thịt thật, với giá bán lẻ quanh mức 15.000 đồng.
Còn Sài Gòn Food đình đám với cháo tươi nhiều hương vị nhưng mức giá cao nhất lên đến hơn 25.000 đồng/gói 240 gram...
Mỳ ly, phở tô giành chỗ mỳ gói
Không chỉ “giành nhau gói thịt thật”, hướng đến đầu tư gói mỳ ngon, các nhà sản xuất cũng đang tranh nhau tung ra thị trường những gói mỳ tiện dụng, phù hợp với xu hướng tiêu dùng nhanh của giới trẻ.
Trên kệ mỳ tại các siêu thị, cửa hàng tạp hóa hiện nay, mỳ gói đang dần “xếp chỗ” nhường vị trí cho mỳ ly, mỳ tô.
Từ năm 2016, Acecook đã tăng mạnh đầu tư cho mỳ ly, tập trung mạnh vào hai phân khúc trung và cao cấp và trung bình.
Giữa năm 2016, doanh nghiệp này đã tung ra thị trường dòng sản phẩm mỳ ly mới có cả thịt và rau đi kèm, với giá bán lẻ 8.000 đồng mỗi ly. Mức này cao hơn gấp đôi so với giá 3.500 đồng của các loại mỳ đóng gói khác cùng nhãn hiệu.
Mỳ ly, mì tô cũng được coi là dòng sản phẩm chủ yếu phục vụ phân khúc khách hàng trung bình trở lên. Theo một báo cáo công bố năm 2016 của hãng nghiên cứu thị trường Asia Plus, những người trong độ tuổi 30 có xu hướng sử dụng mỳ ly nhiều hơn (63%) so với những người ở lứa tuổi 20 (48%), và nam giới có xu hướng sử dụng mỳ ly nhiều hơn (52%) so với nữ giới (45%).
Ông Junichi Kajiwara, Tổng giám đốc Acecook Việt Nam, cũng khẳng định tại nhiều cửa hàng ở TP.HCM, mỳ ly đang bán chạy hơn mỳ gói. Chính vì vậy, nhà sản xuất mỳ lớn nhất thị trường này vừa đầu tư thêm một nhà máy sản xuất mỳ mới tại TP.HCM, và dành một dây chuyền để sản xuất mỳ ly. Dây chuyền này có thể sản xuất 180 triệu ly mỳ trong một năm.
Acecook cho biết sẽ xây dựng một nhà máy nữa ở miền Bắc trong năm nay, và nâng sản lượng mỳ ly của công ty này từ 2% lên 5% vào cuối năm.
Mỳ ly, mỳ hộp đang dần chiếm lĩnh vị trí của mỳ gói trên kệ hàng các siêu thị. Ảnh: Hà Yên.
Một thương hiệu mỳ khác là Công ty Nissin Food Holdings, trong năm 2016 cũng cho ra mắt sản phẩm mỳ Cup Noodles với giá từ 12.000-15.000 đồng/ly. Nissin cho biết chiến lược của công ty là sẽ tung ra thị trường những sản phẩm cao cấp, mang tính tiện dụng cao, nhằm tạo ra một nhu cầu tiêu dùng mới.
Masan cũng cho ra đời mỳ ly Cung Đình với định vị dành cho phân khúc cao cấp, mức giá khoảng 15.000 đồng/ly.
Asia Foods cũng có mỳ ly VIP Gấu Đỏ, và mỳ ly Shangha; Vifon có Ngon – Ngon, mỳ ly bổ sung yến mạch... Cả Miliket – Colusa cũng không chậm chân khi cho ra đời nhiều sản phẩm mỳ ly, mỳ tô với giá bán 6.000-7.000 đồng/sản phẩm, gấp đôi giá mỳ gói hiện tại.
Hàng loạt các nhãn hiệu nhập khẩu từ Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản cũng đổ bộ mỳ ly vào thị trường Việt Nam, làm cho kệ hàng này ngày càng chiếm ưu thế, lấn át hẳn mỳ gói truyền thống.
Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor vừa công bố, quy mô của thị trường mỳ gói tiêu thụ trên toàn cầu trong những năm gần đây đã tăng gần 40%, từ 44 tỷ USD năm 2013 lên khoảng 61 tỷ USD vào năm 2017.
Việt Nam là một trong số 15 quốc gia đang tiêu thụ mỳ gói hàng đầu thế giới, xếp vị trí thứ 4, sau Nhật Bản (vị trí số 3) và trước Mỹ (vị trí số 5). Bình quân một người Việt Nam tiêu thụ 52 gói mỳ ăn liền/năm.
Sức tiêu thụ lớn nên số lượng doanh nghiệp tham gia ngành hàng này cũng không nhỏ. Cả nước có hơn 50 doanh nghiệp đang tham sản xuất, nhưng hơn 70% doanh số đang nằm trong tay 3 đại gia Acecook, Masan và Asia Foods.
Theo Hà Yên
Zing