Sáng ngày 14/6/2016, Tổng công ty Dệt may Việt Nam (Vinatex) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 với sự tham gia của hơn 98% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Đây là kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên thứ hai được Tập đoàn này tổ chức sau khi thực hiện IPO hồi tháng 9/2014.
"Lỡ" kế hoạch 2015 vì bỏ kinh doanh bông, thoái vốn 8 DN thu lãi 2,6 tỷ
Báo cáo tại Đại hội, Tổng Giám đốc Lê Tiến Trường cho biết doanh thu năm 2015 của Vinatex đạt 869 tỷ đồng, hoàn thành 69% kế hoạch đề ra. Trong khi đó, chi phí hoàn thành hơn 62%. So với năm trước, chi phí tăng 44,6% do đưa vào hoạt động nhà máy sợi Phú Hưng, thực hiện hợp đồng trị giá 100 tỷ đồng may đồng phục cho Vietnam Airlines.
Theo kế hoạch được đặt ra, Vinatex dự kiến sẽ thực hiện kinh doanh nguyên liệu tập trung với doanh thu kinh doanh bông dự kiến 650 tỷ đồng. Tuy nhiên, diễn biến ngành bông bất thường, giá xuống thấp, rủi ro cao cùng biến động khá tiêu cực của tỷ giá nên Tập đoàn tạm dừng triển khai, kinh doanh ODM thông qua trung tâm SCDC đang ở trong giai đoạn đầu (xây dựng thị trường) nên chưa cho doanh thu.
Cùng với đó, tỷ giá biến động dẫn đến nhiều doanh nghiệp mà Tập đoàn có vốn bị lỗ tỷ giá. Ông Trường chia sẻ thêm, tính đến tháng 11/2015, lợi nhuận của Vinatex có khả năng hoàn thành kế hoạch đề ra. Nhưng cuối năm 2015, khi tỷ giá có biến động và các đơn vị thành viên phải hạch toán lỗ tỷ giá kể cả đối với những dự án đầu tư chưa đưa vào sản xuất. Tỷ lệ cổ tức các đơn vị do vậy bị giảm so với kế hoạch.
Lợi nhuận riêng công ty mẹ hoàn thành 92,55% kế hoạch, tăng 2,9% cùng kỳ. Dù vậy, cổ tức vẫn hoàn thành kế hoạch đề ra. Vinatex đã quyết định trích gần 94% lợi nhuận để chi 250 tỷ đồng thanh toán cổ tức 5% bằng tiền mặt.
Lợi nhuận hợp nhất đạt 627 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm trước. Nói về con số tăng trưởng này, Tổng Giám đốc Vinatex cũng cho biết thêm tăng trưởng của Vinatex chủ yếu nhờ sự đóng góp từ các dự án đầu tư mới. Doanh nghiệp lớn như Nhà bè, May 10 đã ở ngưỡng rất cao, không thể tăng trưởng mạnh.
Hoạt động đầu tư năm 2015 được thực hiện với 8 dự án đã triển khai và giải ngân 1.074,946 tỷ đồng/ tổng dự toán 2.061,334 tỷ đồng. Vinatex đã đã đưa vào sản xuất 3 Dự án: Nhà máy Sợi Phú Hưng giai đoạn 2; Nhà Máy May Kiên Giang và Nhà máy sản xuất vải Yarndyed Long An. Trong khi đó, Tập đoàn này đã thực hiện thoái vốn tại 8 đơn vị với tổng vốn 632,467 tỷ đồng, lợi nhuận 2,6 tỷ đồng.
Đưa loạt dự án vào hoạt động, lãi công ty mẹ năm 2016 phấn đấu tăng 74,5%
Năm 2016, công ty mẹ Vinatex đã đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 74,5%, lên 465 tỷ đồng. Cổ tức năm 2016 tối thiểu 6%.
Doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn phấn đấu đạt 16.560 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế kế hoạch đạt 646,8 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 1,5% và 3,11%. Đánh giá về thị trường dệt may năm 2016, lãnh đạo Vinatex đưa ra những nhận định không mấy tích cực do cầu ngành dệt may 5 tháng đầu năm tăng trưởng thấp cùng sự cạnh tranh ngày càng gia tăng của các đối thủ.
Vinatex dự kiến sẽ đưa vào hoạt động Dự án may tại Cần Thơ, Bạc Liêu, Quảng Bình vào tháng 6 và Tuyên Quang vào tháng 9/2016. Cùng với đó, các dự án NM Sợi Nam định, Phú Cường đã đưa vào hoạt động vào tháng 5.
Chia sẻ thêm về hoạt động đầu tư của Vinatex, Chủ tịch Tập đoàn cho biết khâu an toàn nhất có thể giúp Vinatex tăng trưởng mà không phụ thuộc vào việc Việt Nam tham gia vào TPP là khâu may. Vì vậy đầu tư ngành may được Chủ tịch Vinatex đánh giá là rất cần thiết.
Tuy nhiên, việc đầu tư vào dự án dây chuyền may mới khác rất nhiều với việc một doanh nghiệp dệt may đầu tư thêm dây chuyền mới. Lãnh đạo Vinatex cho biết “Hai năm đầu, kết quả tại các dự án mới sẽ không như mong muốn kéo theo chỉ số tài chính và có thể lỗ." Tuy nhiên, theo Chủ tịch Vinatex ,việc đầu tư vào dự án mới sẽ vẫn rẻ hơn mua thêm vốn góp tại Việt Tiến, May 10.
Tại Đại hội, cùng với tờ trình báo cáo KQKD năm 2015 và kế hoạch cho năm tới, Vinatex cũng trình và xin ý kiến cổ đông thông qua việc sửa đổi điều lệ và bầu thay thế một thành viên Ban Kiểm soát, là người do Vingroup đề cử.
Đại hội tiến hành thảo luận
Vinatex đã có kế hoạch niêm yết cụ thể?
Trước đó, Vinatex đã đặt ra kế hoạch niêm yết trong vòng 3 năm. Tập đoàn có 53% vốn nhà nước nên quyết định sẽ phụ thuộc vào Bộ Công Thương. Việc niêm yết phụ thuộc quyết toán giai đoạn 2. Sau đó, Vinatex sẽ nhanh chóng thực hiện các thủ tục và dự kiến sẽ không chậm trễ so với kế hoạch trước đó.
ROE khá thấp. Vinatex có dự kiến nâng vốn góp tại đơn vị tốt, thoái vốn doanh nghiệp không hiệu quả?
Thời điểm 2014, ROE của Vinatex không cao do một mảng doanh nghiệp dệt, doanh nghiệp hoạt động đơn độc không nằm trong chuỗi họa động không hiệu quả bên cạnh các khoản đầu tư có tỷ suất lợi nhuận lớn như Nhà Bè, Việt Tiến,....
Năm 2015, ROE đã tốt hơn nhưng chưa đột phá. Nguyên nhân do Vinatex đầu tư thêm. Việc yêu cầu 4 nhà máy với 10.000 lao động hoạt động có hiệu quả ngay là không tưởng. Ông Trường cũng cho biết bình thường khi đầu tư mới có thể lỗ 50-60 tỷ đồng do công nhân chưa tạo ra giá trị chưa tương xứng. Người công nhân chỉ tạo ra giá trị khoảng 100 USD giá trị gia công nhưng mức lương tối thiểu, BHXH, tiền ăn trưa có thể lên tới 140 USD, ông Trường đưa ra ví dụ. Các nhà máy mới chưa có hiệu quả và dự kiến phải đến 3 năm mới hoạt động ổn định. Dù có làm giỏi, các nhà máy tới trong tối thiểu khoảng 5-6 năm nữa với đến giai đoạn bò sữa. Hướng mà Vinatex lựa chọn là đầu tư vào các dự án mới.
Đối với việc mua thêm cổ phần tại các DN tốt, Tổng Giám đốc cho rằng phải cân nhắc về giá vốn mua vào. Với những nhà đầu tư không chuyên nghiệp, họ sẽ muốn đi mua để làm NĐT tài chính. Tất cả những người có tiền trên thị trường thì sẽ đều mua được.
Còn Vinatex sở hữu tài sản vô hình là những người biết đầu tư nhà máy dệt may. Vinatex lựa chọn hướng đầu tư dự án mới để khai thác tài sản vô hình quý nhất của Vinatex. Dù xác định khó khăn trong những năm đầu nhưng khoản đầu tư sẽ có hiệu quả trong 5-6 năm tiếp theo, để trở thành những Nhà Bè, Việt Tiến, May 10 trong tương lai.
Một cổ đông đánh giá cao nỗ lực của ban điều hành và cho rằng mức cổ tức 5% là chấp nhận được trong giai đoạn hiện nay của Vinatex. Tuy nhiên, công ty cũng cần hài hòa giữa lợi ích cổ đông và CBCNV và cũng đề nghị Tập đoàn công khai mức lương bình quân của CBCNV Vinatex.
Trả lời câu hỏi này của cổ đông, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết hiện Tập đoàn có 85.379 lao động với mức lương bình quân 6,52 triệu đồng/ tháng. Mức lương cao nhất là Chủ tịch Tập đoàn theo quy định nhà nước 36 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ tại Đại hội, lãnh đạo Vinatex cũng thể hiện sự đồng cảm với các cổ đông. Trong khi một số đơn vị thành viên trả mức cổ tức cao thì Vinatex chỉ đặt mục tiêu cổ tức 6-8%. Nguyên nhân là bởi phải dùng cổ tức từ các đơn vị thành viên hoạt động hiệu quả để bù đắp cho các dự án đầu tư mới, các DN hoạt động hiệu quả thấp, để kéo lại lợi nhuận.
Sau cổ phần hóa, Vinatex đã làm được gì?
Xuất phát điểm của Vinatex không mang tính DNNN theo kiểu nhiều ban bệ. Việc thay đổi nhiều nhất sau khi cổ phần hóa chính là chuyển đổi mục tiêu hoạt động. Từ việc bảo toàn vốn, nhiệm vụ của Tập đoàn là phải hoàn thành trác nhiệm với cổ đông, nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí. So với thời điểm cổ đông của Vinatex mua khi IPO, hiện giờ, Vinatex đã có thêm 90.000 cọc sợi mới, 11.000 lao động ngành may. Bên cạnh cổ tức mà cổ đông nhận được 5%, tài sản tăng thêm còn là là các công trình đi vào hoat động. Áp lực về tiêu chí hiệu quả là thay đổi lớn nhất khi Vinatex đi vào cổ phần hóa.
Theo Thanh Thủy
Người đồng hành