Những khu “đất vàng” giữa trung tâm Sài Gòn luôn là “điểm ngắm” của nhiều đại gia địa ốc trong và ngoài nước từ khi TP.HCM có quy hoạch về 20 khu đất này từ năm 2007. Nhiều khu đất đã và đang định hình các dự án BĐS hoành tráng, tạo điểm nhấn cho trung tâm Sài Gòn hoa lệ như khu đất tứ giác Bến Thành đã về tay Bitexco từ 2008 hiện đang xây tòa The One (có thể đổi tên thành Spirit of Saigon) trị giá 500 triệu USD; khu khu đất 66-68-70 đường Lê Thánh Tôn và khu Eden (Đồng Khởi)…
Hiện còn nhiều khu “đất kim cương” khác đang dần lộ diện những tập đoàn BĐS lớn trong nước quan tâm, và đang nằm trong kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư. Nổi bật trong đó là Novaland ở khu đất 164 Đồng Khởi, trước đó Tân Hoàng Minh cũng đã tham gia đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn.
Trong số 8 dự án mà TP.HCM cần thu hồi đất trong năm 2016 đã được Hội đồng nhân dân xem xét thông qua, có khu tứ giác vàng Nguyễn Huệ - Hồ Tùng Mậu – Huỳnh Thúc Kháng – Ngô Đức Kế.
Với những động thái gần đây từ tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cũng như kế hoạch đấu thầu theo hình thức chỉ định nhà đầu tư, thì có khả năng “lô đất kim cương” này sẽ về tay tập đoàn Vạn Thịnh Phát của gia tộc giàu có Trương Mỹ Lan.
Hồi giữa năm 2016, tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã gửi văn bản tới UBND Tp.HCM đề xuất được đầu tư dự án với chiều cao tối đa 40 tầng trên khu đất này. Đề xuất này đã được thành phố xem xét. Có khả năng khu đất sẽ được đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu cho liên doanh nhà đầu tư là Công ty Larkhall Holding và Công ty CP Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát.
Một động thái đáng chú ý liên quan đến khu tứ giác vàng Nguyễn Huệ, đó là Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM vừa công bố danh mục dự án khu tứ giác đường Nguyễn Huệ -Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng - Ngô Đức Kế, Quận 1, TP.HCM.
Trong đó, đáng chú ý đó là dự án đã được chấp thuận chủ trương cho phép chỉ định nhà đầu tư. Bên cạnh đó, quy mô của dự án này cũng dần lộ diện với diện tích trên 11.000m2 (chưa giải phóng mặt bằng).
Chức năng sử dụng khu đất xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại, dịch vụ (không có chức năng ở), chiều cao được duyệt 40 tầng với mật độ xây dựng 60%. Thời gian thực hiện Dự án là 50 năm. Tổng chi phí thực hiện dự án ước tính 7.398 tỷ đồng (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng).
Vị trí: 1. Union Square; 2. TTTM Nguyễn Huệ - Lê Lợi; 4. Saigon Times Square; 7. Khách sạn Duxton do Vạn Thịnh Phát sở hữu.
8. Khu tứ giác vàng; 10. BIDV Tower; 13. Khách sạn Rex; 9. Sunwah Tower...
Nguồn ảnh đồ họa: Zing.vn
Nói tới đại gia Trương Mỹ Lan, ai cũng biết là một nhân vật bí ẩn được xem là một trong những đại gia địa ốc sở hữu nhiều đất vàng nhất Việt Nam. Những công ty liên quan đến đại gia này đều có vốn điều lệ hàng chục nghìn tỷ đồng, và đều có trong tay các dự án BĐS lớn. Chẳng hạn như VTP Investment Group 12.800 tỷ đồng, Sài Gòn Peninsula: 18.000 tỷ đồng, Sai Gon Investment Group 12.720 tỷ đồng, VIPD Group 12.000 tỷ đồng…
Riêng tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ, nơi được xem là xa hoa nhất Sài Gòn hiện nay, đang tụ họp nhiều tòa nhà cao ốc, khách sạn cao cấp thì đại gia Trương Mỹ Lan đã chính thức sở hữu tới 4 vị trí gồm Union Square (mua lại từ Vingroup), TTTM mặt đường Lê Lợi – Nguyễn Huệ -Đồng Khởi, Saigon Times Square và mới đây mua lại khách sạn Duxton.
Cũng trên tuyến đường này đại gia Trương Mỹ Lan có khả năng thâu tóm thêm khu đất tứ giác vàng Nguyễn Huệ -Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng - Ngô Đức Kế, và đang đề xuất đầu tư cải tạo dự án Bến Bạch Đằng (đoạn cuối đường Nguyễn Huệ).
Gia Bảo