Giai đoạn 2011-2013, thị trường BĐS trong nước đóng băng đã kéo theo những khó khăn của lĩnh vực vật liệu xây dựng, đặc biệt là gạch men khi tồn kho tăng cao, tiêu thụ sụt giảm mạnh khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành thua lỗ.
Tuy vậy, sự phục hồi của thị trường BĐS trong những năm gần đây đã giúp ngành gạch men dần vượt qua khó khăn và phục hồi trở lại. Có thể thấy, các doanh nghiệp gạch men đang niêm yết như Viglacera Hạ Long (VHL), Viglacera Tiên Sơn (VIT), Viglacera Thăng Long (TLT), Gạch men Thanh Thanh (TTC), CTCP CMC (CVT), Taicera (TCR) đều có lợi nhuận tăng mạnh trong 2 năm qua.
Báo cáo tài chính quý 1/2016 được công bố tiếp tục cho những kết quả lạc quan với các doanh nghiệp gạch men khi lợi nhuận tăng vọt. Có thể kể tới như Teicera lãi 11 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 21 tỷ đồng; Gạch men Thanh Thanh lãi 6 tỷ đồng, tăng trưởng 60% hay CVT lãi 24 tỷ đồng- gấp đôi quý 1 năm trước.
Với KQKD tích cực, không quá bất ngờ khi cổ phiếu gạch men bứt phá khá mạnh trong những tháng đầu năm nay. Trong đó, TTC là cổ phiếu giao dịch tích cực nhất khi tăng 79%; VGC của TCT Viglacera cũng tăng tới 75%.
Cổ phiếu gạch men tăng mạnh kể từ đầu năm 2016
Granite- hướng đi mới của doanh nghiệp gạch men
Theo CTCK MBS, thị trường BĐS sẽ tiếp tục khả quan trong những năm tới, điều này giúp nhóm ngành vật liệu xây dựng nói chung và gạch men nói riêng được hưởng lợi.
Đa số các doanh nghiệp trong nước hiện sản xuất 2 dòng gạch men là Ceramic và Granite. Trong đó, gạch Granite tuy có giá cao hơn đáng kể so với Ceramic nhưng có tính năng vượt trội về độ bền, thẩm mỹ và ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng hơn.
Theo dự báo của Bộ Xây dựng, nhu cầu cho gạch Ceramic chỉ đạt khoảng 350 triệu m2 đến năm 2020, không tăng đáng kể so với lượng tiêu thụ hiện tại do xu hướng sử dụng loại gạch này ngày càng thấp đi.
Trong khi đó, nhu cầu gạch Granite được dự báo tăng trưởng 20%/năm trong cùng giai đoạn, bao gồm cả tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Công suất các nhà máy granite trong nước hiện tại chỉ đạt gần 60 triệu/m2, khó đáp ứng được hết nhu cầu tiêu thụ.
Nắm bắt xu hướng, không ít doanh nghiệp đã đầu tư, mở rộng nhà nhà máy sản xuất gạch Granite như CVT đưa vào vận hành dây chuyền CMC2-2 từ tháng 8/2015 với công suất 4 triệu m2/năm, chuyên sản xuất gạch Granite khổi lớn cỡ 800x800 hay Viglacera Tiên Sơn cũng đưa nhà máy Thái Bình đi vào vận hành trong năm 2016 với công suất 2 triệu m2/năm….
Hiện tại, các doanh nghiệp trong nước cũng đang chịu áp lực cạnh tranh lớn với gạch men Trung Quốc bởi mức giá rẻ hơn so với hàng nội địa. Tính riêng dòng gạch Granite, sản phẩm Trung Quốc hiện đang chiếm khoảng 40 – 45% thị phần tại Việt Nam.
Tuy vậy, theo CTCK BSC, việc áp thuế bảo hộ cao đối với các sản phẩm gạch men Trung Quốc cùng sự đầu tư công nghệ, mẫu mã đã giúp các công ty trong nước dần chiếm được thị phần. Do đó, BSC đánh giá rủi ro cạnh tranh từ các dòng gạch Trung Quốc là không quá cao.
Hoàng Anh