Sau khi tốt nghiệp Đại học, ông Đỗ Quang Hiển đã đi làm thuê ở nhiều công ty, tổ chức khác nhau trước khi khởi nghiệp vào năm 1993. Ông từng là kỹ sư điện tử tại Xí nghiệp sửa chữa máy thu hình – Đài truyền hình Hà Nội, làm việc tại Công ty điện tử Hanel và sau đó ông chuyển sang làm trong Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia.
Sau gần 10 năm trải qua những môi trường làm việc khác nhau, ông Đỗ Quang Hiển đã quyết định ra làm ăn riêng bằng việc lập Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại T&T. Từ đó, nghiệp kinh doanh đã đến với ông Đỗ Quang Hiển.
Đã có nhiều bài báo nói về sự nghiệp và thành công của ông Đỗ Quang Hiển, nhưng có một điều dễ nhận thấy ở vị doanh nhân này là khá kín tiếng và âm thầm phát triển sự nghiệp kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, trên con đường khởi nghiệp doanh nhân Đỗ Quang Hiển cũng từng có giai đoạn lao đao. Còn nhớ năm 1998, khi đó Công ty Tân Trường Sanh nhập khẩu lượng lớn hàng điện tử về nước, điều này dẫn tới hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng trong đó có T&T gặp rất nhiều khó khăn.
Trong cái rủi lại có cái may, từ những khó khăn đó ông Hiển đã nhảy vào lĩnh vực sản xuất linh kiện và động cơ xe máy. Sau đó, ngành lắp giáp xe máy tại Việt Nam trở thành một "cơn sốt" vào những năm 2000, ông Đỗ Quang Hiển đã phát triển ngành sản xuất của mình trở thành nhà máy quy mô lớn nhất Việt Nam thời đó – T&T Hưng Yên.
Nhưng, cũng chính từ cơn sốt này, sau đó vài năm ngành xe máy bắt đầu lao dốc, gặp khó khăn thì ông Đỗ Quang Hiển lại một lần nữa "thoát hiểm" bằng lĩnh vực khác. Năm 2006 - 2007, ông bước chân tham gia vào ngành tài chính ngân hàng, cùng với đó là đầu tư vào bóng đá.
Tập đoàn T&T của ông Hiển cùng với SHB thời đó đã tham gia góp vốn thành lập một hệ thống định chế tài chính gồm Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), Quản lý quỹ Sài Gòn-Hà Nội (SHF) và Bảo hiểm SHB-Vinacomin (SVIC).
Từ đó tới nay, ông Hiển luôn được biết đến là một trong những doanh nhân quyền lực và nổi tiếng trong giới tài chính, cũng như nhiều lĩnh vực khác như nhựa công nghiệp, khoáng sản (T& Hà Giang)…Tháng 6 vừa qua, ông Hiển và T&T đã thoái toàn bộ phần vốn của mình tại SHF.
Khác với lĩnh vực tài chính, bầu Hiển đang bước chân vào ngành bất động sản khá âm thầm thông qua các thương vụ M&A và IPO.
Không phải bây giờ bầu Hiển mới làm bất động sản mà chuyện này đã bắt đầu ngay từ những năm 2009, bằng những thương vụ hợp tác đầu tư như 584 Lilama SHB, Công ty Best &T, Công ty T&T – MCK.
Ngoài ra, bầu Hiển còn lập ra T&T Land, và được biết đến với rất nhiều dự án TTTM, nhà ở tại nhiều tỉnh, thành như Phú Thọ, Nghệ An và Hưng Yên, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,…mua lại và sở hữu nhiều khu đất vàng tại Hà Nội như tòa văn phòng số 45 Lý Thường Kiệt, tòa văn phòng 23 Láng Hạ, khu tổ hợp 273 Tây Sơn, chung cư 120 Định Công.
Tuy vậy, lĩnh vực kinh doanh này lại không đem lại nhiều thành công và tiếng tăm cho bầu Hiển như nhiều doanh nhân nổi tiếng khác như tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT tập đoàn Vingroup, đại gia Nguyễn Thị Nga – chủ tịch tập đoàn BRG, ông Dương Công Minh – chủ tịch tập đoàn Him Lam, hay mới đây là ông Trịnh Văn Quyết – chủ tịch tập đoàn FLC…
Thế nhưng, gần đây bầu Hiển có nhiều động thái thể hiện tham vọng rất lớn trong lĩnh vực địa ốc thông qua các thương vụ IPO, M&A. Các công ty có liên quan đến Bầu Hiển tích cực tham gia mua cổ phần nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được cổ phần hoá, thoái vốn theo chủ trương của Nhà nước.
Trong giai đoạn từ 2015 đến nay, hệ thống nhà bầu Hiển đã chi hàng nghìn tỷ nhằm chi phối nhiều DNNN như Vinafor (tối thiểu 1.416 tỷ đồng), Vegetexco (430 tỷ đồng), Bệnh viện GTVT (119 tỷ đồng), Cảng Quảng Ninh (tối thiểu 490 tỷ đồng)…
Qua đó, những doanh nghiệp này dù làm ăn không mấy hiệu quả, nhưng lại đang quản lý và sở hữu quỹ "đất vàng" rất lớn. Chẳng hạn Vinafor có 43.400ha đất nông nghiệp, khoảng 50ha đất phí nông nghiệp và nhiều dự án BĐS ở Hà Nội;
Cuối năm 2015, bầu Hiển và T&T tham gia sở hữu 51,43% Công ty CP Bệnh viện Giao thông vận tải, và một thương vụ IPO đình đám khác là Tổng Công ty Rau quả nông sản – Vegetexco. Đến tháng 6/2017, nhóm cổ đông tập đoàn T&T và các bên liên quan đang nắm giữ 95% cổ phần của Vegetexco, doanh nghiệp có quỹ đất lớn.
Không chỉ dừng lại ở việc thâu tóm quỹ đất lớn qua các thương vụ M&A, IPO mà gần đây T&T Land cũng đã bắt đầu hiện diện nhiều hơn trên thương trường địa ốc, với hàng loạt dự án được triển khai. Chẳng hạn như khu tổ hợp chung cư T&T Riverview bao gồm 3 đơn nguyên từ 19 - 23 tầng tại Hà Nội; T&T Victoria cao 25 tầng tại TP Vinh hay khu nhà ở thấp tầng gần 21ha T&T Long Hậu (Long An)…
Ông Đỗ Quang Hiển và T&T Land còn nắm trong tay nhiều dự án BĐS khác khắp cả nước như Trung tâm Thương mại, Căn hộ cao cấp tại 446 - 448 Hoàng Văn Thụ, Q. Tân Bình, Khu đô thị phức hợp Sóng Việt tại Khu đô thị Thủ Thiêm, Dự án khách sạn T&T – Đà Nẵng, KĐT Điện Bàn có diện tích 400 hecta ở Quảng Nam, dự án 152 hecta ở Tân Dân Thanh Hoá...Đầu năm 2017 vừa qua, T&T Group cũng đã được Hà Nội giao xây dựng bãi đỗ xe ngầm và quản lý, sử dụng, đầu tư sửa chữa, vận hành sân vận động Hàng Đẫy.
Kiều Thuật