Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các công ty chứng khoán trên thị trường đã công bố BCTC quý 3/2016. Thống kê từ báo cáo của 15 CTCK thường có dư nợ cho vay ký quỹ (cho vay margin) lớn nhất thị trường, có thể thấy, tổng dư nợ tại thời điểm cuối quý 3 là 22.655 tỷ đồng. Nếu tính thêm trường hợp đột biến là chứng khoán Phú Hưng với dư nợ hơn 700 tỷ đồng thì nhóm các “Top” có gần 23.400 tỷ đồng cho vay.
Con số này không tăng đáng kể so với thời điểm cuối quý 2 (22.360 tỷ đồng) nhưng tăng khoảng 16% so với đầu năm. Dù dư nợ cho vay margin không mấy thay đổi, khối lượng giao dịch bình quân toàn thị trường trong quý 3/2016 không tăng so với quý 2 nhưng giá trị giao dịch bình quân đã tăng 20%.
Tuy nhiên, trong số đó có những CTCK đã giảm mạnh cho vay, và những công ty khác lại trỗi dậy.
7 CTCK đã giảm dư nợ so với thời điểm cuối quý 2. Đó là SSI, HCM, VCSC, ACBS, BVS, MSI và VPBS. Đứng đầu về giảm cho vay tính theo số tuyệt đối là SSI, giảm hơn 400 tỷ đồng. Thứ 2 là CTCK Bản Việt (VCSC), giảm gần 300 tỷ đồng, tiếp sau đó là ACBS, giảm 213 tỷ đồng.
Trong khi đó, VND lại vượt lên, tăng số dư cho vay thêm hơn 600 tỷ đồng (tương đương 41%), vươn lên vị trí thứ 3 về số dư cho vay với 2.096 tỷ đồng. SHS cũng tăng các khoản cho vay thêm gần 360 tỷ đồng (tương đương 25,5%), số dư cuối quý 3 là 1.755 tỷ đồng. Tương tự như vậy, MBS cũng tăng thêm 317 tỷ đồng (20,5%), số dư cuối kỳ là 1.862 tỷ đồng.
Một gương mặt mới xuất hiện trong Top 10 thị phần môi giới quý 3/2016 trên HNX là CTCK Tân Việt (TVSI) cũng cho thấy sự tăng mạnh của dư nợ cho vay margin với hơn 666 tỷ đồng - tăng 16% so với thời điểm cuối quý 3. Nếu tính cả Tân Việt và Phú hưng, số dư margin của 17 CTCK là hơn 24.000 tỷ đồng.
Dư nợ cho vay của các CTCK tính đến cuối quý 3/2016
Lợi thế quy mô thể hiện rõ rệt trong ngành chứng khoán khi những công ty có vốn lớn sẽ cho vay margin nhiều, và doanh thu từ hoạt động môi giới cũng như lãi từ các khoản cho vay cũng ở hàng "top".
Cụ thể, SSI đạt gần 300 tỷ đồng doanh thu môi giới trong 9 tháng đầu năm và thu lãi 320 tỷ đồng từ hoạt động cho vay. HSC đứng thứ 2 với 266 tỷ đồng doanh thu môi giới và 250 tỷ đồng lãi từ hoạt động cho vay. Đứng thứ 3 là CTCK Bản Việt với các khoản này lần lượt đạt 191 tỷ đồng và 129 tỷ đồng.
Với vị trí thứ 4, VNDS đạt 139 tỷ đồng doanh thu môi giới và 150 tỷ đồng lãi từ cho vay và phải thu. MBS dù doanh thu môi giới chỉ 108 tỷ đồng nhưng lãi từ cho vay và phải thu cũng không hề kém Bản Việt, đạt 127 tỷ đồng.
Mai Linh