MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

THÔNG TIN CÔNG TY

Thứ 5, 21/06/2018, 08:38
SAMCO

 Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (OTC)

Giá hiện tại: SAMCO 0.0 0(0) Biểu đồ GTGD và KLGD trong 1 tháng Thông tin tài chính Hồ sơ công ty GDCĐ lớn & CĐ nội bộ Facebook message
Nhiều Tổng công ty ‘hái quả ngọt’ từ các liên doanh, liên kết
Nhiều Tổng công ty ‘hái quả ngọt’ từ các liên doanh, liên kết

Đầu tư liên doanh liên kết đang trở thành ‘mỏ vàng’ của nhiều tổng công ty Nhà nước.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh chính của công ty mẹ thì nhiều Tổng công ty cũng đẩy mạnh hoạt động đầu tư liên kết ra bên ngoài. Những khoản thu nhập khủng từ liên doanh, liên kết này đôi khi lại là yếu tố lớn giúp cho nhiều ông lớn Nhà nước ghi nhận lãi lớn trong năm 2017.

Thậm chí nhiều tổng công ty còn bị thua lỗ nếu loại trừ các khoản thu nhập liên doanh, liên kết đó. Vậy đâu là những con gà đẻ trứng vàng của các doanh nghiệp này?

Các hãng xe là ‘mỏ vàng’ của VEAM và SAMCO

Như thường lệ, khoản lợi nhuận từ liên doanh với các hãng xe lớn như Honda, Toyota, Ford vẫn đóng góp chủ yếu vào lợi nhuận của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).

VEAM đầu tư vào các công ty con liên kết với giá vốn gốc 6.428 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là Công ty Honda Việt Nam gần 5.121 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2017, giá trị hợp lý của các khoản đầu tư này ở mức 9.244 tỷ đồng, chiếm 40% tổng tài sản của công ty. Khoản đầu tư này mỗi năm mang về cho VEAM hơn 4.500 tỷ đồng tiền cổ tức trong 3 năm qua.

Nhiều Tổng công ty ‘hái quả ngọt’ từ các liên doanh, liên kết - Ảnh 1.

(Thời điểm kết thúc năm 2016 vào 23/1/2017, năm 2017 được tính từ cổ phần hóa 24/1/2017).

Trong quý I/2018, VEAM tiếp tục ghi nhận lãi lớn từ hoạt động liên doanh liên kết với khoản thu về 1.059 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 29%. Đây là yếu tố lớn dẫn đến lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 1.040 tỷ đồng, tăng trưởng 27%. Nếu loại trừ lãi liên kết trên thì công ty mẹ lại thua lỗ 30 tỷ ngay trong quý I.

Cũng được hưởng lợi lớn từ các đơn vị thành viên là Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (SAMCO). Lợi nhuận gộp 2017 của công ty mẹ là 347 tỷ, trong khi lợi nhuận gộp hợp nhất 735 tỷ đồng cho thấy các công ty con có đóng góp lớn vào lợi nhuận SAMCO.

Theo báo cáo hợp nhất 2017, lãi từ các đơn vị liên doanh liên kết tăng mạnh lên 364 tỷ đồng cùng với doanh thu tài chính đột biến (xử lý tiền thu cổ phần hóa đến 209 tỷ) là 2 nhân tố chính giúp cho lợi nhuận sau thuế SAMCO vẫn tăng trưởng 26% lên 862 tỷ đồng.

Nhiều Tổng công ty ‘hái quả ngọt’ từ các liên doanh, liên kết - Ảnh 2.

Tương tự VEAM, các khoản đầu tư của SAMCO cũng tập trung vào các hãng xe và bến xe lớn. Trong tổng số 2.050 tỷ đầu tư vào công ty liên kết thì SAMCO góp đến 862 tỷ vào Mercedes Benz Việt Nam, 273 tỷ vào Isuzu Việt Nam, 138 tỷ vào Kumho Samco Buslines, 302 tỷ vào Xe khách Sài Gòn.

Ngoài ra SAMCO còn là công ty mẹ của 2 bến xe lớn nhất TPHCM là bến xe Miền Đông (100%) và bến xe Miền Tây (51%).

Satra hưởng lợi từ ‘bia’

Không đầu tư vào các hãng xe như VEAM hay SAMCO, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cũng thu được lợi nhuận liên kết không hề kém cạnh chủ yếu từ các liên doanh với hãng bia Heineken.

Năm 2017, Satra ghi nhận doanh thu lên đến 12.000 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tăng 13% lên 1.441 tỷ nhưng bị chi phí bán hàng và chi phí quản lý ăn mòn hết lợi nhuận với tổng chi phí 1.862 tỷ đồng.

Cứu cánh cho Satra đến từ doanh thu tài chính 590 tỷ và đặc biệt là khoản lãi liên kết khủng đến 3.638 tỷ đồng. Do vậy, tổng công ty vẫn có lãi sau thuế 3.626 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với năm 2016.

Nhiều Tổng công ty ‘hái quả ngọt’ từ các liên doanh, liên kết - Ảnh 3.

Nguồn thu lớn của Satra từ các đơn vị thành viên phải kể đến các liên doanh bia khi Satra sở hữu 40% vốn của Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam và 40% vốn của Công ty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam (Heineken Trading).

Ngoài ra, Satra còn sở hữu 67,76% vốn tại Vissan, 25% vốn CJ Cầu Tre, 29% vốn công ty chủ trung tâm thương mại Bình Điền, 30% vốn Nhabexims,…

Nhiều tổng công ty khác thu lãi lớn từ công ty thành viên

Ngoài 3 tổng công ty trên thì một số doanh nghiệp khác cũng thuộc nhóm thu lãi lớn từ liên kết có thể kể đến như Saigon Tourist, Phát triển Công nghiệp Tân Thuận hay Tổng công ty Bến Thành.

Sở hữu 30% vốn góp tại Liên doanh Phú Mỹ Hưng, Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) thường xuyên ghi nhận nguồn thu nhập tài chính từ liên doanh này và có đóng góp tỷ trọng lớn trong lợi nhuận hằng năm của IPC.

Báo cáo tài chính 6 tháng 2017 cho thấy các liên doanh là nguồn thu chủ lực của IPC. Mặc dù chỉ tạo ra 49 tỷ tổng doanh thu nhưng lãi liên kết lại mang về 451 tỷ đồng, điều này giúp IPC ghi nhận lãi sau thuế gần 480 tỷ đồng.

Khoản đầu tư liên doanh liên kết tại 30/6/2017 là 3.834 tỷ, chiếm 44% tổng tài sản của doanh nghiệp. Đáng chú ý khi IPC sở hữu 30% vốn Công ty TNHH PT Phú Mỹ Hưng, tương đương giá trị 2.339 tỷ. Ngoài ra IPC còn giữ 50,5% vốn tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (HPI), 45,9% vốn công ty Long Hậu LHG, 50% vốn Khu chế xuất Sài Gòn – Linh Trung,…

Cũng dành phần lớn tài sản đầu tư vào công ty liên doanh liên kết và thu lãi lớn là Tổng công ty Bến Thành (Benthanh Group –BTG). Cụ thể, khoản mục đầu tư này đạt 1.251 tỷ chiếm đến 38% tổng tài sản của doanh nghiệp.

Trong năm 2017, Công ty mẹ Benthanh Group ghi nhận 238 tỷ doanh thu và lợi nhuận gộp chỉ đạt 30 tỷ đồng. Tuy nhiên doanh thu tài chính 251 tỷ đồng là động lực chính giúp doanh nghiệp có lãi sau thuế 246 tỷ đồng. Doanh thu tài chính chủ yếu là cổ tức được chia (107 tỷ) và lãi thanh lý các khoản đầu tư (101 tỷ).

Trong các khoản góp vốn, nổi bật lên là phần góp 40,81% vốn tại Savico (SVC), 20,13% vốn Vàng bạc đá quý Bến Thành, 28% vốn Bến Thành-Sao Thủy,… Ngoài ra Benthanh Group còn có liên doanh trong nhiều khách sạn như Saigon Riverside, khách sạn Sofitel Sài Gòn Plaza, khách sạn Bến Thành Norfolk,…

Hay Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist) cũng thu về 449 tỷ lợi nhuận liên doanh liên kết trong năm 2017, góp phần mang lại 1.593 tỷ lợi nhuận sau thuế cho doanh nghiệp. Số tiền Saigon Tourist đầu tư vào liên doanh liên kết là 3.743 tỷ, chiếm 32% tổng tài sản.

Theo Huy Lê

NDH

Các tin khác
TPS: Nghị quyết HĐQT thống nhất ký hợp đồng với công ty liên quan
SAMCO trước cổ phần hóa: Công ty mẹ tốt hơn VEAM, thua xa lãi từ các liên doanh
[Chân dung doanh nghiệp] “Ông lớn” ngành Ô tô của TP. HCM đang sống ra sao?
Nhiều Tổng công ty ‘hái quả ngọt’ từ các liên doanh, liên kết
SAMCO: Kế hoạch phát triển 5 năm của doanh nghiệp
SAMCO: Chiến lược phát triển kinh doanh
SAMCO: Đánh giá KQKD 3 năm gần nhất
SAMCO: Báo cáo thực trạng quản trị doanh nghiệp
SAMCO: Chế độ tiền lương, thưởng của doanh nghiệp
SAMCO: Tình hình đổi mới doanh nghiệp
(*) Lưu ý: Dữ liệu được tổng hợp từ các nguồn đáng tin cậy, có giá trị tham khảo với các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, chúng tôi không chịu trách nhiệm trước mọi rủi ro nào do sử dụng các dữ liệu này.