Văn phòng Chính phủ vừa yêu cầu các bộ ngành liên quan có ý kiến về phương án điều chỉnh dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất giai đoạn 2, trên cơ sở đề nghị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Theo tập đoàn này, việc triển khai dự án theo các cơ sở dữ liệu đã được phê duyệt trước đây (năm 2014) không còn phù hợp, không hiệu quả và khả thi, nên cần có hướng đi phù hợp, cũng như đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm theo lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải, phù hợp xu thế chuyển dịch năng lượng, đảm bảo tính khả thi.
Vì vậy, trên cơ sở Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã báo cáo trước đó, PVN đã trình Chính phủ cho phép điều chỉnh dự án. Đồng thời điều chỉnh lộ trình áp dụng tiêu chuẩn xăng dầu theo quy định tại quyết định 49/2011 cho đến khi BSR hoàn thành dự án.
Kiến nghị tăng hạn mức tín dụng để cho vay và cấp bảo lãnh, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi
Theo đó, công suất chế biến của nhà máy theo kế hoạch ban đầu 192.000 thùng/ngày (tương đương 8,5 triệu tấn/năm), sản xuất sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn EURO V, có tổng mức đầu tư 1,8 tỉ USD được đề xuất thay đổi.
Cụ thể, phương án điều chỉnh còn 171.000 thùng/ngày, với các sản phẩm LPG, xăng các loại, nhiên liệu phản lực, lưu huỳnh, polypropylene… Dự án cũng giảm tổng mức đầu tư xuống còn 1,256 tỉ USD, từ nguồn vốn chủ sở hữu được khấu hao dồn tích, lợi nhuận sau thuế hằng năm và vốn vay dưới hình thức tín dụng xuất khẩu, từ ngân hàng thương mại.
Theo kế hoạch, dự án triển khai trong 37 tháng, dự kiến hoàn thành vào quý 4-2025 và đi vào vận hành thương mại vào quý 1-2026. Vì vậy, BSR cho rằng dự án không thể triển khai tuần tự theo các bước như dự án thông thường, nên kiến nghị cần được áp dụng các giải pháp đặc cách để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong thời gian sớm nhất.
Công ty kiến nghị Thủ tướng sớm chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, cho phép sử dụng báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và môi trường phê duyệt, chỉ định nhà tư vấn dự án, chủ đầu tư được triển khai đàm phán, ký kết mở rộng hợp đồng với các nhà bản quyền công nghệ đang có, các giải pháp triển khai nhanh…
Đồng thời, kiến nghị được hưởng cơ chế thuế để nâng cao hiệu quả kinh tế. Đơn cử cơ chế thuế thu nhập doanh nghiệp sau khi hoàn thành dự án, như 4 năm đầu miễn thuế, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; giãn lộ trình miễn thuế nhập khẩu xăng dầu về 0% vào năm 2024 sang năm 2028 để đảm bảo hiệu quả kinh doanh bình đẳng với Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Đẩy nhanh tiến độ để đáp ứng yêu cầu nâng cấp chất lượng xăng dầu
Góp ý về phương án điều chỉnh dự án theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẳng định với tỉ lệ vốn góp cho dự án, PVN có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phần vốn với các vấn đề trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hiệu quả đầu tư dự án, đảm bảo bảo toàn và gia tăng giá trị vốn nhà nước.
Còn theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thuộc Thủ tướng Chính phủ. Do đó, để có cơ sở báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định, bộ đề nghị cần có báo cáo giải trình, đánh giá cụ thể phương án đầu tư với quy mô 171.000 thùng/ngày và 192.000 thùng/ngày, làm rõ tính khả thi từng phương án; làm rõ khối lượng, giá trị công việc đã thực hiện.
Hồ sơ điều chỉnh cũng phải có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho dự án đã đề xuất, đầy đủ các quy định về đầu tư xây dựng…
Đối với kiến nghị điều chỉnh lộ trình áp dụng tiêu chuẩn xăng dầu cho đến khi dự án BSR hoàn thành, Bộ Công thương cho rằng chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ để đáp ứng yêu cầu về nâng cấp chất lượng xăng dầu, phù hợp với các cam kết quốc tế, định hướng của Việt Nam về lộ trình tiêu chuẩn chất lượng, lộ trình khí thải.
Đồng thời rà soát kỹ các quy định, số liệu đầu vào và chịu trách nhiệm về hiệu quả dự án.
Bộ Khoa học và công nghệ cũng đề nghị doanh nghiệp tuân thủ quy định, yêu cầu về QCVN về xăng dầu, LPG. Đồng thời lưu ý với các hợp đồng chuyển giao bản quyền công nghệ chỉ có thời hạn 7 năm (ký từ năm 2016) nên cần chú ý về thời hạn hợp đồng.
Theo Ngọc An
Tuổi trẻ Onlines