Nỗi ám ảnh giá dầu giảm mạnh trong suốt đầu năm 2016 tiếp tục đeo đẳng các doanh nghiệp ngành dầu khí trong suốt nửa đầu năm 2016.
Dự toán 60 USD/thùng, nhưng đầu năm 2016 giá dầu đã liên tục giảm mạnh khi có thời điểm xuống dưới mức 30 USD/thùng và duy trì mức trung bình 40 USD/thùng, khiến cho nhiều đại gia lớn ngành dầu khí gặp không ít khó khăn.
Dừng hoạt động một số giàn khoan, vẫn chịu nỗi lo thua lỗ
Theo báo cáo của PVN, so với mức giá dầu trung bình 6 tháng đầu năm 2015 là 60,5 USD/thùng, thì mức giá dầu trung bình của nửa đầu năm nay là quá thấp khi chỉ đạt 40,5 USD/thùng. Mặc dù trong tháng 6, giá dầu đã phục hồi ở mức 50 USD song vẫn không “cứu” lại được mức giá giảm khá mạnh hồi đầu năm.
Ông Ngô Hữu Hải, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) cho biết giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong 13 năm qua đã khiến cho nhiều dự án phải tạm dừng hoặc giãn tiến độ triển khai.
Mặc dù đơn vị này phải tính đến phương án giá dầu ở mức 30 USD/thùng và đưa ra một loạt giải pháp song vẫn không thể hoàn thành các chỉ tiêu. Theo đó, mức lỗ dự kiến cho 6 tháng đầu năm 2016 là âm 493 tỷ đồng; doanh thu ước tính là 15.600 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước là 4532 tỷ đồng.
Hoạt động khai thác, thăm dò của một số đơn vị gặp khó khăn đã tác động lớn đến những doanh nghiệp trong lĩnh vực khoan và dịch vụ khoan dầu khí khi khối lượng công việc giảm mạnh. Tại Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PV Drilling), việc tìm kiếm hợp đồng mới vô cùng khó khăn dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh sụt giảm.
Đơn vị này cho biết, trong 6 giàn khoan sở hữu thì PV Drilling chỉ có 2 giàn khoan hoạt động liên tục, còn lại các dịch vụ kỹ thuật khác giảm khối lượng công việc hoặc tạm dừng cung cấp. Chưa kể, đơn giá thuê giàn và các dịch vụ kỹ thuật giếng khoan sụt giảm nghiêm trọng. Theo đó, doanh thu đạt 2.632 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ năm; lợi nhuận đạt 74 tỷ đồng, giảm 93% so với cùng kỳ năm.
Tác động dây chuyền: Giảm giá, giảm việc, giảm doanh thu
Một loạt các công ty làm dịch vụ khác cũng gặp không ít khó khăn khi khối lượng công việc sụt giảm. Điển hình như Tổng Công ty CP dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC), kết quả doanh thu, lợi nhuận các lĩnh vực hoạt động chính đều giảm mạnh.
Cụ thể, dịch vụ tàu chuyên ngành dầu khí giảm 57%; dịch vụ cung cấp, quản lý, vận hành, khai thác tàu chứa FSO/FPSO giảm 20%; dịch vụ cơ khí dầu khí giảm 20%; dịch vụ căn cứ cảng dầu khí giảm 43%. Riêng Công ty Cảng Dịch vụ Dầu khí có lợi nhuận giảm 84% và đứng trước nguy cơ lỗ….
Trong khi đó, đối với một số đơn vị sản xuất và phân phối sản phẩm xăng dầu như Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), mặc dù hoạt động có lãi nhưng việc giá dầu giảm sâu cộng với chênh lệch thuế đã khiến đơn vị này gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ.
Ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng Giám đốc BSR cho biết mức giá dầu bình quân chỉ tương đương 66,28% kế hoạch, nên các chỉ tiêu doanh thu và nộp ngân sách ở mức trên 86% và 79% (doanh thu 35.119 tỷ đồng; lợi nhuận 995 tỷ đồng; nộp ngân sách là 6.141 tỷ đồng).
Theo ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng Giám đốc PVN, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 215,6 nghìn tỷ đồng, giá dầu giảm sâu đang đặt ra thách thức lớn cho tập đoàn. Do đó, để có thể thực hiện được mục tiêu khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thô năm 2016 so với kế hoạch Chính phủ giao, Tập đoàn sẽ phải quyết liệt khoan thêm, khoan đan dày một số giếng khai thác mới để đạt chỉ tiêu.
An Ngọc