Khó khăn tứ bề bủa vây
Tại cuộc họp với các tập đoàn kinh tế lớn đầu tháng Sáu vừa qua nhằm tìm ra các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải triển khai các giải pháp để khai thác tăng thêm 1 triệu tấn dầu so với kế hoạch đã được phê duyệt.
Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, tiến sỹ Ngô Thường San, cho biết Chính phủ giao PVN khai thác thêm 1 triệu tấn dầu (so với kế hoạch đã được phê duyệt) vào thời điểm giữa năm như hiện nay để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đưa mức tăng trưởng GDP lên 6,7% thực sự không dễ thực hiện.
Trước hết, kế hoạch bổ sung 1 triệu tấn dầu ở thời điểm này là khá muộn đối với việc xây dựng kịch bản phù hợp, đảm bảo mục tiêu sản lượng, đồng thời đảm bảo an toàn vòng đời khai thác của mỏ. Thêm vào đó, từ tháng Sáu trở đi, miền Nam đã vào mùa biển động nên việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình biển rất khó khăn và việc sớm đưa các mỏ mới vào khai thác cũng không hề dễ, ông San chỉ rõ.
Đặc biệt, những mỏ lớn như Bạch Hổ, Sư Tử, Tê Giác đã qua giai đoạn đỉnh sản lượng và đang trong tình trang suy giảm; còn các mỏ nhỏ cận biên thì sản lượng không đáng kể. Ngoài ra, trong giai đoạn giá dầu thấp dưới 50 USD/thùng như hiện nay, các công ty liên doanh cũng sẽ không tha thiết gia tăng sản lượng, bởi càng gia tăng sản lượng thì càng lỗ, ông San nhấn mạnh.
Theo đại diện lãnh đạo Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro (VSP), đơn vị khai thác dầu khí chủ lực của PVN, nếu Tập đoàn giao thêm sản lượng khai thác cho VSP thì đó là thách thức lớn đối với Liên doanh bởi sau nhiều năm khai thác, độ ngập nước tại các mỏ dầu của VSP tăng nhanh, khó cho ra dòng dầu ổn định.
Một đơn vị khai thác chủ lực khác của PVN là Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) cũng cho biết việc dừng, giãn đầu tư các mỏ mới, các giếng khoan mới ở những năm trước do giá dầu quá thấp đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì và gia tăng sản lượng năm 2017 và những năm tiếp theo.
Theo tiến sỹ Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc khai thác dầu khí của Việt Nam ngày càng khó khăn hơn khi các mỏ trữ lượng lớn gần bờ đã gần hết. Hiện công tác tìm kiếm thăm dò phải tiến hành tại những vùng nước sâu xa bờ, tại các mỏ nhỏ cận biên, đòi hỏi chi phí đầu tư lớn ngày càng lớn hơn. Minh họa rõ nhất là chi phí khai thác dầu thô ở Saudi Arabia chỉ 8-12 USD/thùng, Nga là 13 USD/thùng, còn Việt Nam là khoảng 40 USD/thùng.
Vì vậy, ngành dầu khí cần bám sát diễn biến giá dầu thế giới để điều chỉnh kế hoạch khai thác từng mỏ phù hợp, hiệu quả, bền vững, tránh tình trạng khai thác tài nguyên bằng mọi giá để tăng trưởng, ông San nhấn mạnh.
Khó nhưng vẫn có thể hoàn thành
Theo Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San, việc Chính phủ giao PVN khai thác tăng thêm 1 triệu tấn quy dầu trong những tháng cuối năm 2017 là nhiệm vụ chính trị. Với vai trò Tập đoàn kinh tế đầu tàu của Nhà nước, PVN phải cấp bách triển khai các giải pháp đồng bộ, cụ thể và quyết liệt để hoàn thành kế hoạch này.
PVN phải tổ chức ngay “Hội nghị Diên Hồng,” mời các chuyên gia kinh nghiệm trong khai thác và quản lý mỏ cùng đóng góp ý kiến để tìm giải pháp. Bên cạnh đó, PVN phải kiểm tra, đánh giá khả năng gia tăng trữ lượng của các giếng đang khai thác; khả năng khai thác sớm của các giếng mới. Đặc biệt, PVN cần nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật phù hợp với các giếng đang ở giai đoạn suy giảm sản lượng, ở chu kỳ cuối khai thác với độ ngập nước ngày càng tăng.
Tuy nhiên, Chính phủ và các bộ/ngành phải tạo cơ chế tài chính đặc thù cho PVN như hình thành quỹ thăm dò khai thác dầu khí để Tập đoàn có thể chủ động trong đầu tư các trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến cho các hoạt động cốt lõi này. Phải xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị chứ không riêng gì PVN, ông San khẳng định.
Theo PVEP, Tổng Công ty đang khẩn trương rà soát tất cả dự án dầu khí, đẩy mạnh mua sắm các thiết bị phục vụ cho chiến dịch khoan thêm để phấn đấu gia tăng sản lượng khai thác từ 3-15%. Hiện PVEP cần sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Công thương và PVN về thủ tục vay vốn ngân hàng cùng các cơ chế thu xếp vốn để Tổng Công ty có thể cân đối khoản tài chính từ 65-132,7 triệu USD cho triển khai kế hoạch, đại diện PVEP khẳng định.
Tiến sỹ Ngô Thường San cho biết, với giá dầu thô được duy trì ở mức quanh 50 USD/thùng và nếu kế hoạch khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thành hiện thực, PVN sẽ có thể đóng góp thêm 0,3% GDP.
Theo số liệu ước tính của PVN đến ngày 28/6, sản lượng khai thác dầu thô của toàn tập đoàn trong sáu tháng qua ước đạt 7,89 triệu tấn, vượt 8,1% kế hoạch Chính phủ giao và bằng 55,6% kế hoạch năm 2017 Chính phủ giao. Trong đó, khai thác dầu ở trong nước sáu tháng ước đạt 6,92 triệu tấn, vượt 9%, khai thác dầu thô tại nước ngoài đạt 0,97 triệu tấn, vượt 1,7% kế hoạch Chính phủ giao.
Trong sáu tháng qua, PVN đã có một phát hiện dầu khí mới và đã đưa công trình giàn Thỏ Trắng 3 vào khai thác từ ngày 7/5, sớm hơn so với kế hoạch 13 ngày./.
Theo Anh Nguyễn
Vietnam+