Bỏ thế mạnh vì kinh doanh thua lỗ
Thua lỗ triền miên, kinh doanh không có lãi khiến các ông chủ doanh nghiệp phải tìm đường lấn sân sang hướng khác. Điển hình như CTCP PGT Holdings (HNX: PGT) trước đó là Công ty Cổ phần Taxi Gas Sài Gòn Petrolimex. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, cổ đông khá bất ngờ khi được Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Kakazu Shogo cho biết trong năm 2016, lĩnh vực kinh doanh trọng tâm được định hướng là kinh doanh chứng khoán.
Thực tế, cả năm 2015, kinh doanh taxi không đem lại lợi nhuận cho công ty mà lợi nhuận chính từ việc bán xe.
Hoạt động kinh doanh của PGT hầu như không có tăng trưởng mà chỉ thụt lùi qua hàng năm. Hoạt động kinh doanh chính thua lỗ triền miên, mãng Taxi càng duy trì càng lỗ. Năm 2013, doanh nghiệp này có doanh thu 30 tỷ nhưng chỉ riêng chi phí quản lý doanh nghiệp lên đến 34 tỷ đồng. Do đó, đến năm 2014, doanh nghiệp này bắt đầu thanh lý tài sản của mô hình kinh doanh kiểu củ để tránh tình trạng tiếp tục thua lỗ nặng.
Đến năm 2015, công ty này thoát lỗ nhưng doanh thu thuần chỉ đạt mức 6 tỷ đồng năm 2015, lợi nhuận không đáng kể
Lãnh đạo PGT cho biết, hiện tài sản của đơn vị này không còn gì ngoài tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng 73 tỷ đồng và các khoản phải thu và các khoản trả trước thêm khoảng 9,3 tỷ đồng. Tài sản cố định cũng không còn gì sau khi đã bán hết xe taxi.
Bán hết xe, giấy phép kinh doanh hoạt động xe taxi của đơn vị này bị thu hồi do không có đủ số lượng xe như quy định, lãnh đạo PGT muốn chuyển sang kinh doanh chứng khoán.
Tương tự như PGT, CTCP Cơ khí và XD Bình Triệu (Upcom: BCT) đã tuyên bố dừng mọi hoạt động sản xuất truyền thông là chế tạo, lắp đặt máy, hoàn thành thanh lý các hợp đồng còn tồn đọng trong năm 2015 để tập trung vào dự án xây dựng chung cư cao tầng.
BCT ngừng chế tạo, lắp đặt máy trong năm 2016 chuyển sang bất động sản
Nguyên nhân chính dẫn đến công ty này dẹp bỏ mảng kinh doanh cốt lõi để tìm đến miếng bánh bất động sản nhiều màu là bởi năm 2015 công ty làm ăn thua lỗ 8,7 tỷ đồng. Xác định nếu tiếp tục sản xuất chế tạo lắp đặt máy, công ty sẽ không có tăng trưởng nên buộc phải tìm hướng đi mới.
Vừa qua, tại ĐHĐCĐ thường niên, BCT đã thông qua việc phát hành riêng lẻ 28,570,897 cổ phiếu cho CTCP Thiết kế Xây dựng Hưng Thịnh (Hưng Thịnh Construction) với giá không thấp hơn 10,000 đồng/cp. Tăng vốn điều lệ Công ty từ 14.3 tỷ lên hơn 300 tỷ đồng.
Toàn bộ số tiền gần 286 tỷ đồng thu về từ đợt phát hành sẽ được đầu tư cho dự án xây dựng chung cư cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ tại số 79/5B Nguyễn Xí. Ngoài phần vốn huy động từ phát hành, BTC sẽ vay thêm ngân hàng để thực hiện.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1,471 tỷ đồng, trong đó 427 tỷ đồng là tiền sử dụng đất, 930 tỷ là tiền xây dựng công trình và thiết bị, ngoài ra còn có chi phí quảng cáo, tiếp thị, dự phòng. Quy mô diện tích quy hoạch khoảng 15,427 m2 với dân số dự kiến hơn 2,100 người.
Đây là bước đi đánh dấu bước ngoặt của BCT. Công ty này dự kiến sau khi hoàn thành sẽ mang về doanh thu 2,133 tỷ đồng cùng khoản lợi nhuận sau thuế 337 tỷ đồng.
“Thay đổi hay là chết”
Trong kinh doanh, nếu không thay đổi, không sáng tạo doanh nghiệp sẽ tự nhấn chìm mình trong biển nợ. Điều này bất kỳ lãnh đạo nào cũng nhận ra. Nhưng chuyển hướng như thế nào để thành công, là một bài toán khó.
Sang lĩnh vực chứng khoán, PGT khiến cổ đông không khỏi hoài nghi lo lắng vì lĩnh vực chứng khoán kinh doanh nhiều rủi ro. Trong khi lãnh đạo PGT nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều tiềm năng, khi tham gia lĩnh vực này công ty sẽ có những lợi ích nhất định và PGT có thể tận dụng chức năng này để tăng nguồn quỹ nội bộ của công ty.
PGT được cho là cổ phiếu có giá thị trường thấp hơn cả giá trị từ tiền mặt ròng của công ty (Với mức giá hiện tại trên thị trường vào khoảng 4.400 đồng/cp. Tính tổng vốn hóa của PGT khoảng 40,5 tỷ đồng. So với số tiền mặt mà công ty này đang tích trữ lên đến 73 tỷ đồng thì coi như là đã thấp hơn giá trị bằng tiền mặt của công ty). Để có thể chuyển hóa thành lợi nhuận tương xứng trên mỗi đồng vốn bỏ ra là cả một vấn đề, nhất là khi những yếu tố để tạo được niềm tin cho cổ đông còn quá mơ hồ.
Còn BTC được nhiều cổ đông kỳ vọng hơn, nhất là trong bối cạnh thị trường bất động sản Việt Nam phục hồi có đà tăng trưởng, tính thanh khoản trên thị trường cao.
Traphaco mới đây trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 xác định hướng đi trọng tâm là đẩy mạnh sản xuất tân dược, một lĩnh vực hoàn toàn mới và không phải thế mạnh của đơn vị này, càng khó khăn hơn khi Dược Hậu Giang đã đi trước và rất thành công. Vị Chủ tịch HĐQT Traphaco thẳng thắn thừa nhận khó nhưng đây là mấu chốt để Traphaco phát triển.
CEO Viettel Nguyễn Mạnh Hùng trong lễ tôn vinh các tập thể, cá nhân xuất sắc 2015 đã thẳng thắn thừa nhận: “Sự thay đổi đến chóng mặt của công nghệ, những đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng, sự vươn lên mạnh mẽ của các đối thủ, khó khăn của nền kinh tế… nhắc chúng ta rằng, sự thịnh vượng ngày hôm nay vốn không đến từ thuận lợi của ngày hôm qua. Cái chết đến vào lúc chúng ta đang ngủ quên trên chiến thắng chưa bao giờ là chuyện cổ tích. Nếu không kịp thay đổi, chúng ta sẽ bị loại khỏi cuộc chơi cho dù chúng ta có to lớn, vĩ đại đến đâu”
Ông hối thúc nhân viên: “Năm 2016 cũng là năm chúng ta phải gạt bỏ những việc không tạo ra giá trị để tập trung vào những việc tạo ra giá trị. Giá trị sẽ là thước đo cho các phong trào thi đua. Mỗi cá nhân trong Viettel hãy luôn tự hỏi mình về giá trị mang lại trong công việc hàng ngày”
“Thay đổi hay là chết”, triết lý này luôn đúng, nhất là đặt trong bối cảnh doanh nghiệp làm ăn khó khăn, cần có hướng đi mới nâng khả năng phục hồi. Nhưng có doanh nghiệp thay đổi chiến lược kinh doanh thành công, có doanh nghiệp thất bại, điều này phụ thuộc nhiều vào cái đầu tính toán nhìn xa trông rộng và tài trí của HĐQT từng công ty.
Theo Hải Minh
Người đồng hành