Hồi đầu năm 2015, thông tin Nguyễn Kim "bán mình" cho doanh nghiệp Thái Lan lần đầu được hé lộ khi Công ty Chứng khoán Bualuang của Thái Lan phát hành báo cáo phân tích về công ty Robinson Department Store, một đơn vị thành viên của Tập đoàn bán lẻ Central Group của Thái Lan. Theo bản báo cáo này, Power Buy, đơn vị do Robinson Department Store nắm 40% cổ phần và là hệ thống điện máy lớn nhất Thái Lan – đã mua lại 49% cổ phần CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ và Giải pháp mới NKT.
Theo Bualuang thì Công ty NKT sở hữu 100% cổ phần của CTCP Thương mại Nguyễn Kim, đơn vị quản lý chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim - một trong 2 chuỗi siêu thị điện máy lớn nhất Việt Nam lúc đó. Trong năm tài chính kết thúc vào 31/3/2014, Thương mại Nguyễn Kim đạt 8.438 tỷ đồng doanh thu và 352 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Công ty NKT mới được thành lập ngày 8/10/2014 với vốn điều lệ 800 tỷ đồng, bằng đúng vốn điều lệ của Thương mại Nguyễn Kim. Cơ cấu sở hữu ban đầu của công ty này bao gồm: ông Nguyễn Văn Kim sở hữu 31% cổ phần, bà Nguyễn Thị Hương sở hữu 57,29% cổ phần, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết sở hữu 11,11% cổ phần và bà Nguyễn Thị Tuyết Minh sở hữu 0,6% cổ phần.
Đến đầu năm 2015, CTCP Thương mại Nguyễn Kim đã chính thức về tay người Thái khi thay đổi đăng ký kinh doanh do thay đổi Tổng giám đốc đồng thời là người đại diện theo pháp luật. Tổng giám đốc mới là bà Jariya Chirathivat, 48 tuổi, có bằng MBA tại đại học Clark, Mỹ. Bà là thành viên của gia tộc Chirathivat - gia tộc sáng lập và đang quản lý Central Group. Central Group là một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Thái Lan, hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực như bất động sản, khách sạn, bán lẻ...Năm 2014, tạp chí Forbes xếp gia đình Chirathivat trở thành gia tộc giàu có nhất Thái Lan, với khối tài sản trị giá 12,7 tỉ USD.
Khoảng hơn 1 năm sau thương vụ Nguyễn Kim "bán mình" đó, Báo cáo thường niên của Thế giới di động cung cấp một con số lạ về thị phần điện máy chính hãng tại Việt Nam. Theo đó, Điện Máy Xanh cho rằng, hãng đang xếp thứ 2 với khoảng 8% thị phần. Xếp sau là điện máy Chợ lớn với 7,5% thị phần. Nguyễn Kim tiếp tục đứng ở vị trí dẫn đầu với 12%.
Những con số mà Thế giới di động công bố khoảng đầu năm 2016 đặt ra nhiều dấu hỏi trong đó lớn nhất là dấu hỏi về vị thế của Nguyễn Kim. Năm 2015, Điện máy Xanh đạt doanh thu 4,4 nghìn tỉ đồng. Nếu con số này tương đương với 8% thị phần, có thể ước tính được doanh thu của Nguyễn Kim trong năm 2015 chỉ đạt khoảng 6,6 nghìn tỉ đồng.
Dù Nguyễn Kim không công bố doanh thu và tính toán của những người ngoài cuộc đưa ra con số đâu đó khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng năm tài chính 2015 và đem đi so với con số 8,4 nghìn tỷ đồng năm 2013 đồng thời xét thêm hàng loạt biểu hiện khác thì thấy có vẻ như, Điện máy Nguyễn Kim bước lùi đáng kể sau khi bắt tay với người Thái.
Từ sau khi thương vụ giữa Nguyễn Kim và Power Buy diễn ra, việc triển khai, mở rộng hệ thống siêu thị của Nguyễn Kim dường như không khiến bất kỳ ai có ấn tượng. Trong khi đó, các đối thủ của Nguyễn Kim liên tiếp mở rộng để đón đầu tăng trưởng như vũ bão của ngành điện máy. Website của Nguyễn Kim thời điểm hiện tại đang công bố có 52 trung tâm mua sắm trong đó TP.Hồ Chí Minh có 16 trung tâm, Hà Nội 7 trung tâm còn lại rải rác ở các tỉnh thành khác. Trong khi đó, tính đến hết năm 2017, chuỗi bán lẻ Điện máy xanh đã có đến 642 trung tâm.
Công bố của Thế giới di động trong báo cáo thường niên năm 2017 cho thấy, Điện Máy Xanh đã thực sự chiếm được ngôi vị đầu bảng của Nguyễn Kim khi chiếm đến 30% thị phần và các chuỗi khác trong đó có Nguyễn Kim chỉ chiếm 30%.
Lần thanh tra thuế này, Nguyễn Kim bị Cục thuế TPHCM truy thu và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền lên đến hơn 148 tỉ đồng (giai đoạn từ năm 2012 đến cuối năm 2017). Với thời gian truy thu từ 2012-2017 thì có lẽ, Central Group đã phải gánh thêm cả hậu quả từ trước đây để lại nữa. Với việc bị truy thu thuế "khủng" cùng với việc Nguyễn Kim mất vị thế đầu bảng trong ngành vào tay đối thủ thì có vẻ như Nguyễn Kim là một khoản đầu tư không may mắn của Central Group.
Phương Chi