Với cục diện ngành bán lẻ điện tử - điện máy Việt Nam hiện nay, tăng trưởng thấp hơn 20-30%/năm đồng nghĩa với việc mất đi thị phần.
Theo công ty nghiên cứu thị trường GfK, thị trường thiết bị điện tử-điện máy Việt Nam đã khép lại năm 2015 với doanh số đạt hơn 139.000 tỷ đồng, tăng trưởng 19,8%. Như vậy so với năm 2014, người Việt đã chi nhiều hơn 23.000 tỷ để mua các sản phẩm điện tử - điện máy.
Giống như các năm gần đây, động lực tăng trưởng chính vẫn đến từ mặt hàng điện thoại di động, khi ghi nhận mức tăng trưởng 32%, tương ứng tăng 15.900 tỷ lên gần 65.700 tỷ đồng (~3 tỷ USD). Mức chi tiêu cho điện thoại di động của người Việt hiện đã vươn lên ngang với chi cho uống bia hay mua xổ số.
Điện thoại là động lực tăng trưởng chính của toàn ngành điện tử - điện máy
Trong khi đó, sản phẩm công nghệ thông tin – chủ yếu là laptop – là nhóm hàng duy nhất giảm khi giảm 6% so với năm trước. Các sản phẩm khác đều ghi nhận mức tăng trưởng 2 chữ số. Trong bối cảnh thị trường tăng trưởng với tốc độ trên dưới 20%/năm, riêng mặt hàng điện thoại tăng tới 30% thì rõ ràng các chuỗi bán lẻ phải tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung rất nhiều nếu muốn gia tăng thị phần.
Tổng chi tiêu cho điện lạnh, điện tử và sản phẩm công nghệ thông tin cộng lại mới bằng điện thoại
Nhận thấy cơ hội từ nhiều năm trước nên hầu hết các chuỗi bán lẻ lớn cả trong Nam lẫn ngoài Bắc như Thế giới Di động, FPT Shop, Mediamart, Chợ Lớn… đều tiến hành mở rộng hệ thống của mình với tốc độ “chóng mặt”.
Chặng hạn như Thế giới Di động, với 2 chuỗi Thegioididong.com và Điện Máy Xanh, đã mở mới 269 siêu thị trong năm ngoái – tức mỗi tuần mở mới 5 siêu thị. Với việc kết hợp cả mở rộng cơ học và đà tăng trưởng của ngành, doanh thu của Thế giới Di động đã tăng trưởng 60% trong năm qua lên hơn 25.400 tỷ đồng.
Dư địa để các chuỗi lớn mở rộng vẫn còn rất nhiều khi mà các cửa hàng nhỏ lẻ vẫn nắm giữ gần 1/2 thị phần.
Thị phần của các chuỗi bán lẻ lớn theo công bố của Thế giới Di động (MWG)
Kiến Khang