Không thể phủ nhận nhiều doanh nghiệp đã vượt khó giữ nhịp
năm 2011 và 2012 khi kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, nỗi buồn vẫn đeo đẳng thị trường
chứng khoán khi hàng trăm doanh nghiệp báo lỗ quý 4.
Danh sách những doanh nghiệp lỗ quý 4/2012
Lỗ-khi điệp khúc đã thành quen
Có lẽ buồn nhất là những doanh nghiệp lỗ không phải một hai
quý mà lỗ ròng rã mấy năm liền. Một khi doanh nghiệp để thua lỗ kéo dài 2-3 năm
thì không thể lấy vấn đề ngoại cảnh làm lý do mà phải nhìn lại chính bản thân
công ty. Họ đã làm gì để thay đổi? Đã nỗ lực ra sao để xoay chuyển tình thế?
Hay, họ không làm gì và chờ đợi mọi thứ “bỗng nhiên” tốt hơn?
Đứng đầu bảng thua lỗ đến nay có lẽ là chứng khoán Nam An.
Công ty này đạt kỷ lục lỗ 5 năm liên tiếp! Nhiều công ty cùng ngành nhận thấy
khó khăn và không ít công ty chứng khoán đã chuyển hướng từ giữa 2011 với việc
cắt đi phần yếu nhưng chi phí cao như hoạt động môi giới. NASC lỗ đến năm thứ 5
mới “dè dặt” xin chấm dứt tư cách thành viên chỉ với HNX, giữ tư cách thành
viên HSX. Cũng khó phán xét thế nào là đúng, thế nào là sai nhưng có lẽ doanh
thu môi giới cả năm 2012 chỉ 75 triệu đồng, 2011 chỉ 54 triệu đồng thì hoạt động
môi giới chắc chắn chỉ ăn mòn lợi nhuận của công ty.
Một công ty chứng khoán khác cũng đã lỗ 3 năm liên tiếp là
SVS. Cả năm 2012 công ty lỗ hơn 34 tỷ đồng, lỗ lũy kế 92 tỷ đồng, bằng 87% vốn
điều lệ. Đây là năm thứ 3 liên tiếp SVS lỗ và án hủy niêm yết đang treo nặng
trên đầu nhà đầu tư. Doanh thu môi giới không tệ như NASC nhưng trong hai năm
liền công ty không vượt quá 4 tỷ đồng thì hạng mục môi giới có lẽ vẫn là mảng
không đưa lại nhiều lãi gộp. Dù thế, đến tận những tháng cuối năm 2012 công ty
mới bắt đầu tính chuyện chấm dứt tư cách thành viên 2 sở.
Nhiều doanh nghiệp lỗ vì hụt nguồn thu
Quý 4, công ty mẹ TNT có 0 đồng doanh thu thuần, doanh thu
tài chính cũng vỏn vẹn 330 triệu đồng. Lỗ là điều tất yếu dù công ty đã cắt giảm
hơn nửa chi phí quản lý so với cùng kỳ.
So với các quý trong năm, doanh thu thuần quý 4/2012 của PVR
sụt giảm rõ rệt, chỉ còn 126 triệu đồng, so với 185 triệu đồng doanh thu cùng kỳ
2011. Doanh thu thấp, ngay lập tức PVR lỗ sau thuế 10,57 tỷ đồng quý 4.
Hay như VRC, doanh thu thuần quý 4 chỉ 8,52 tỷ đồng, chỉ hơn
1/10 cùng kỳ nên dù có thêm lãi khác công ty vẫn không thoát lỗ.
Doanh thu thuần quý 4 vỏn vẹn 2,4 tỷ đồng, cùng kỳ đạt hơn
12 tỷ đồng. Lỗ gộp 3,63 tỷ đồng trong khi phải gánh 11,26 tỷ đồng chi phí tài
chính, 3,44 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp và lỗ 39,92 tỷ đồng khác đã
khiến KAC lỗ sau thuế 43,68 tỷ đồng quý 4/2012.
Trên đây chỉ là những ví dụ rất nhỏ về những doanh nghiệp hụt
nguồn thu từ hoạt động kinh doanh chính. Nguyên nhân của từng doanh nghiệp có
thể khác nhau nhưng một điều có thể thấy rất rõ: Với nguồn thu thuần eo hẹp,
dòng tiền kinh doanh lập tức bị ảnh hưởng và việc thua lỗ gần như tất yếu trừ
khi công ty có những hoạt động phụ trợ khác tốt.
Có hàng vạn lý do khiến công ty bị thua lỗ. Điều cần thiết
là doanh nghiệp cần nhìn nhận thật rõ vấn đề khiến công ty thua lỗ để kịp thời
khắc phục. Việc thua lỗ để kéo dài năm này qua năm khác sẽ khiến niềm tin của
nhà đầu tư vào lãnh đạo doanh nghiệp bị lung lay.
Thanh Hiên