Nhận được phản ánh từ nhà đầu tư vào cổ phiếu KSA của Công ty Cổ phần Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (HOSE: KSA) về việc doanh nghiệp này đã không còn hoạt động ở địa chỉ trụ sở chính đã công bố và có vấn đề về tính minh bạch, chúng tôi đã thực địa đến trực tiếp đến trụ sở chính của KSA để tìm hiểu thực trạng.
Loạt hình ảnh kèm Clip mà chúng tôi ghi nhận lại tại nơi KSA và các công ty con đang hoạt động đã được nêu trong bài trước: [Video+Ảnh] 'Tá hoả' khi đến thăm căn nhà bỏ hoang ven biển, nơi đặt đại bản doanh của KSA & BII.
Theo những gì ghi nhận và phản ánh từ người dân, KSA đã ngừng hoạt động tại trụ sở trong một thời gian khá dài nhưng chưa thay đổi giấy phép và công bố thông tin. Đồng thời, trụ sở của các Công ty con của KSA đặt tại Cụm Công nghiệp Thắng Hải, Xã Thắng Hải, Huyện Hàm Tân, Bình Thuận không hề tồn tại theo những gì công ty công bố. Nơi KSA cho xây dựng Nhà máy chế biến xỉ Titan Bình Thuận có công suất 60.000 tấn/năm thì đã dừng thi công từ tháng 10 năm 2016. Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Bình Thuận cho biết dự án này chưa từng có tên trong danh sách cấp phép, đơn xin thủ tục đầu tư.
Thế nhưng, KSA vẫn báo cáo lợi nhuận đều đặn. Báo cáo đưa ra kế hoạch kinh doanh và triển vọng tăng trưởng. Và các nhà đầu tư thì vẫn cứ mặc nhiên 'lướt sóng' đều đều khi cho rằng cổ phiếu của KSA quá rẻ.
Không hoạt động vẫn báo lợi nhuận?
Vì sao một doanh nghiệp không có biểu hiện sản xuất kinh doanh lại có thể tạo ra lợi nhuận?
Báo cáo gần đây nhất mà KSA công bố đã cho thấy sự bất thường. Con số doanh thu quý III/2017 lên đến 120 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cũng vọt lên đến 8,9 tỷ đồng, tăng vọt so với con số ghi nhận 1,5 tỷ đồng cùng kỳ năm trước bản thân nó đã mang đến sự nghi vấn.
BCTC quý III của KSA cho thấy, Công ty này ghi nhận doanh thu, lợi nhuận nhưng không có tiền thực thu. Để có được các con số trên, nhiều khả năng DN này đã dùng 1 thủ thuật là ghi nhận khoản phải thu bất thường từ 2 công ty ‘bất thường’ khác. Trong đó, gần 116 tỷ đồng được ghi nhận từ Công ty Hữu Hạn bảo Tường Quảng Tây – chúng tôi không không tìm thấy bất cứ thông tin gì về sự tồn tại của Công ty này. Trong khi đó, Công ty TNHH Công Bình giúp KSA ghi nhận gần 119 tỷ đồng vào doanh số.
Nguồn: BCTC hợp nhất KSA quý III/2017
Tổng giá trị 2 khoản phải thu phát sinh trong năm nay gần bằng con số doanh thu mà KSA ghi nhận trong 9 tháng đầu năm. Nhiều phân tích cho rằng, nếu như một công ty không có bằng chứng đang hoạt động kinh doanh bình thường, thì nhiều khả năng ban lãnh đạo Công ty đã tự ý làm giả số liệu; hoặc câu kết, thực hiện việc mua bán hóa đơn để tạo doanh thu ảo.
Trước đó, báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng của KSA được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán Nhân Tâm Việt đã nhấn mạnh rằng, 84% doanh số mà KSA ghi nhận là do thực hiện động tác tạm nhập tái xuất lô hàng thiết bị điện tử thiết bị di động từ một công ty liên quan đặt trụ sở tại Hong Kong. Đây là nghiệp vụ chưa từng có trong hoạt động công ty này và sự liên quan của KSA với công ty trên như thế nào còn là một ẩn số.
Nguồn: BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2017
Ngược về các báo cáo của năm 2015, 2016 cho thấy, hiện tượng tăng doanh số và khoản phải thu cũng khá tương đồng. Chênh lệch phải thu khách hàng giữa 2 kỳ gần xấp xỉ doanh thu ghi nhận trong năm.
Nguồn: BCTC KSA Kiểm toán 2016
Tăng vốn ảo để rút tiền nhà đầu tư?
Lưu ý thêm, BCTC hợp nhất của Công ty này do trong 2 năm 2015 - 2016 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Thăng Long (TDK) đã chấp nhận toàn phần đối với BCTC tự lập của KSA. Công ty kiểm toán này đã bị UBCKNN đình chỉ tư cách được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán do liên quan đến công ty 'ma' MTM rúng động thị trường năm 2016.
KSA phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần bằng các khoản công nợ không rõ nguồn gốc.
Trong năm 2015, KSA đã trình cổ đông thông qua kế hoạch phát hành huy động vốn quy mô lớn. Mỗi cổ đông nắm 2 cổ phiếu KSA được mua thêm 3 cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. HĐQT KSA nói với các cổ đông và nhà đầu tư rằng "đã nhận được chứng nhận đầu tư nhà máy xỉ Titan đầu tiên của Bình Thuận công suất 60.000 tấn/năm". Tuy nhiên, theo thông tin từ Sở KHĐT tỉnh Bình Thuận thì chưa từng có tên dự án nào như vậy trong danh sách cấp phép, đơn xin thủ tục đầu tư.
Với việc hoàn tất phát hành thêm 56 triệu cổ phần bằng mệnh giá, đáng lý số tiền dư dôi của KSA phải ở mức 560 tỷ đồng. Nhưng có khả năng chỉ có một số ít nhà đầu tư bỏ tiền thật mua cổ phiếu KSA với tổng trị giá khoảng 150 tỷ đồng. Số tiền này hiện đã được KSA tiêu hết, con số còn lại chỉ hơn 1 tỷ đồng trên BCTC quý III/2017.
Trong khi đó, KSA đã xuất hiện nhiều khoản vay cho các cá nhân và liên quan trong ban lãnh đạo và những khoản phải trả cho người bán ‘trên trời rơi xuống’ ngay thời điểm Công ty vừa phát hành tăng vốn xong. Những con số này trên BCTC 2016 hầu như không thay đổi từ cuối 2015 đến cuối 2016. Nhiều khả năng những người trong ban lãnh đạo KSA cố tình vạch ra kế hoạch tăng vốn ảo, phát hành cổ phiếu để một mặt thu tiền của các NĐT, mặt khác mang cổ phiếu bán ra trên thị trường thu tiền về!?
Công nợ KSA (2016-2015) - BCTC hợp nhất 2016
Dấu hiệu khá quen thuộc của KSA và một số Công ty tương đồng, đó là thanh khoản cổ phiếu luôn ở mức cao nhưng ngược lại, công ty không có cổ đông lớn mà được chia nhỏ ra đứng tên nhiều người. Phải chăng đây là cách các 'tay chơi' tài chính đã chuẩn bị sẵn để thực hiện ‘ve sầu thoát xác’, để lại các nhà đầu tư mắc kẹt tại đây tự đùn đẩy nhau!?
Được biết, chủ tịch của KSA là bà Phạm Thị Hinh, một 'tay chơi' tài chính từng làm việc tại CTCK An Bình, CTCK Phố Wall, CTCK Quốc Gia và nay là chủ tịch CTCK VSM. Ngoài KSA, bà Hinh còn đầu tư và giữ chức Chủ tịch HĐQT của một số cổ phiếu khoáng sản khác như HKB, KHL, KSK, DCS…. Tuy nhiên, trong khoảng hơn 1 năm qua, bà Hinh đã nhiều lần bán ra phần lớn cổ phần tại các công ty trên trước khi cổ phiếu lao dốc về mức giá như hiện nay.
Đáng chú ý, trong số này các công ty có liên quan đến bà Hinh là CTCP Khoáng sản và Luyện kim màu (KSK); CTCP Khoáng sản Hòa Bình (KHB). Đây là 2 công ty có tên trong danh sách mua bán hóa đơn, tạo công nợ ảo liên quan đến vụ MTM.
“Về hoạt động kinh doanh của nhóm công ty này, thời gian qua chúng có biết nhiều vấn đề liên quan như họ lập hơn 20 công ty, thay tên đổi họ liên tục...Sở KHĐT, Tỉnh cũng biết tình hình này, đã cho kiểm tra nhưng chưa xử lý được.”, đại diện Sở KHĐT tỉnh Bình Thuận cho biết trong cuộc gặp PV Trí Thức Trẻ mới đây.
Một số nhà đầu tư đặt vấn đề trách nhiệm của cơ quan quản lý, nhất là UBCKNN và Sở GDCK ở đâu khi DN niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam có dấu hiệu “xấu” nhưng nhà đầu tư không được cảnh báo để bảo vệ tài sản của mình, mà điển hình như vụ công ty “ma” MTM khiến nhiều nhà đầu tư rơi vào cảnh tiền mất tật mang, mất lòng tin vào TTCK Việt Nam, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư quốc gia.
Nhóm PV