Năm 2015, khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được công chiếu cũng là thời điểm mà CTCP Văn hóa Phương Nam (PNC) – một trong những nhà sản xuất của bộ phim này xảy ra sự mâu thuẫn kịch liệt giữa 2 nhóm cổ đông của công ty.
Thậm chí, một thành viên hội đồng quản trị của PNC là ông Phạm Uyên Nguyên còn lên facebook kêu gọi tẩy chay bộ phim. Ông Nguyên cùng Phó chủ tịch HĐQT Nguyễn Tuấn Quỳnh lâu nay được biết đến là đại diện cho nhóm cổ đông lớn có nhiều “bất đồng” với ban điều hành của công ty.
Mặc dù nắm cổ phần “đa số” nhưng nhóm này vẫn chưa đạt đủ tỷ lệ biểu quyết để chi phối mọi vấn đề khi biểu quyết tại Đại hội cổ đông. Bất đồng giữa 2 nhóm khiến cho khá nhiều nội dung quan trọng liên quan đến hoạt động của công ty đã không được thông qua.
Một trong những mâu thuẫn chính liên quan đến tỷ lệ sở hữu tại chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất Việt Nam – CGV Việt Nam (trước đây là Megastar). Suốt nhiều năm liền, nhà đầu tư đã không rõ thực sự Phương Nam sở hữu 10% hay 20% vốn tại CGV trong khi đây là có thể nói là tài sản giá trị nhất của công ty.
Từ năm 2011, khi mua lại Megastar, tập đoàn Hàn Quốc CJ CGV đã định giá chuỗi rạp này ở mức 100 triệu USD. Đến nay, khi quy mô của CGV Việt Nam đã lớn hơn rất nhiều thì giá trị của phần vốn mà Phương Nam nắm giữ cũng phải có giá trị ít nhất là vài chục triệu USD.
Tuy nhiên điều bất cập là do hoạt động kinh doanh chính èo uột nên PNC có một thời gian dài giao dịch dưới mệnh giá, vốn hóa hiện nay của Phương Nam cũng chỉ ở mức hơn 5 triệu USD.
Trước sức ép của nhóm cổ đông lớn, ban lãnh đạo Phương Nam đã chính thức khẳng định công ty vẫn sở hữu 20% cổ phần tại CGV và điều này đã được thể hiện trên báo cáo tài chính.
Chỉ trong ít ngày, Phương Nam đã xuất hiện nhóm cổ đông lớn nắm giữ gần 60% cổ phần của công ty.
Biến động lớn về sở hữu tại Phương Nam
Sau khi vấn đề sở hữu của Phương Nam tại CGV được làm rõ, mối bất đồng tại Phương Nam đã tạm lắng xuống cho đến cuối tháng 8/2016. Chỉ trong một thời gian ngắn, một loạt giao dịch thỏa thuận với khối lượng lớn đã được tiến hành.
Kết quả là Phương Nam xuất hiện 3 cổ đông lớn nắm giữ gần 60% cổ phần gồm: CTCP Phát triển Kinh doanh Thành Vinh (sở hữu 23,1% cổ phần), CTCP Phát triển Kinh doanh Trường Phát (24,8%) và ông Nguyễn Hữu Đức (10,5%).
Trong đó, Thành Vinh và Trường Phát là 2 công ty liên quan đến 2 thành viên HĐQT Nguyễn Tuấn Quỳnh và Phạm Uyên Nguyên.
Với những động thái gia tăng sở hữu diễn ra dồn dập, không loại trừ khả năng nhóm cổ đông lớn này có thể đã “gom” đủ số cổ phần cần thiết (65%) để có thể hoàn toàn nắm quyền kiểm soát công ty.
Một khi nắm được quyền kiểm soát Phương Nam, nhóm cổ đông này có lẽ sẽ giải quyết được bất cập là công ty sở hữu 1 khoản đầu tư trị giá vài chục triệu USD nhưng lại chỉ có vốn hóa thị trường vỏn vẹn 5 triệu USD chưa kể các tài sản khác.
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2015, nhóm cổ đông đại diện 60% vốn điều lệ PNC đã cất công điều tra và đưa ra nhiều chứng cứ để chứng minh trước ĐHĐCĐ việc có một “nghi án” bán rẻ tài sản doanh nghiệp của HĐQT. Cổ đông đã đưa ra chứng cứ chứng minh việc PNC chuyển nhượng 10% quyền góp vốn trong liên doanh Megastar vào năm 2008 khi chưa được phép “nhưng đã thu về được 400.000 USD để hạch toán vào thu nhập của PNC".
Cổ đông cũng chỉ ra khuất tất trong phi vụ vay 7 triệu USD từ Cross Junction Invesment Pte. Ltd (CJI) thế chấp toàn bộ vốn góp 20% trong liên doanh Megastar mà trước đó HĐQT PNC giữ kín. Điều khoản ràng buộc cho phi vụ này là việc PNC ủy quyền toàn bộ quyền trong liên doanh Megastar cho “chủ nợ” CJI, mà CJI không ai khác lại chính là do Tập đoàn CJ CGV, bên đối tác nước ngoài góp vốn với tỷ lệ 80% trong liên doanh Megastar lập ra.
Trong nhiều năm, Phương Nam đã ghi giảm tỷ lệ sở hữu tại Megastar/CGV Việt Nam xuống còn 10% trước khi điều chỉnh lại về mức 20% trong năm 2015.
Thạch Lâm