CTCP Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco – mã MSC), chủ thương hiệu hàng điện tử Arirang về đầu thu karaoke, loa và amply mang thương hiệu Việt bất ngờ thông báo sẽ chấm dứt hoạt động kinh doanh điện tử và đặt kế hoạch lỗ 50 tỷ cho mảng này năm 2019 chủ yếu để thanh lý hàng tồn kho.
Maseco cho biết ngành kinh doanh điện tử và ngành hàng tiêu dùng có doanh số tiêu thụ sụt giảm nhiều nhất trong năm qua. Công ty đã nỗ lực duy trì vị thế của sản phẩm điện tử của công ty trên thị trường, chuyển đổi công nghệ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tăng cường các dịch vụ hậu mãi, chăm sóc khách hàng nhưng doanh thu điện tử vẫn giảm, không đạt hiệu quả kinh doanh.
Tổng doanh thu của công ty năm 2018 đạt 928 tỷ, chỉ đạt 77% kế hoạch năm, lỗ 164,3 tỷ đồng trong đó tồn kho hàng điện tử lên đến 175 tỷ, nợ khó đòi 65 tỷ đồng. Công ty cho biết hàng tồn kho điện tử đều là các sản phẩm đã lạc hậu mốt, lạc hậu kỹ thuật, lỗi thời và chậm luân chuyển do không phù hợp với nhu cầu thị trường.
Do đó, Maseco quyết định thu gọn bộ máy hoạt động kinh doanh nông sản và điện tử, tập trung giải pháp giải phóng hàng tồn kho thu hồi công nợ. Cụ thể với mảng kinh doanh điện tử công ty đặt kế hoạch lỗ 50 tỷ từ việc thanh lý hàng tồn kho, chấm dứt hoạt động kinh doanh điện tử.
Chấm dứt ngành nghề kinh doanh nông sản hồ tiêu, chuyển dịch sang kinh doanh quảng cáo bằng cách hợp tác với công ty Trứng Vàng khai thác bảng quảng cáo led, kinh doanh bất động sản và đầu tư xây dựng showroom ô tô tại số 7 Hoàng Minh Giám quận Phú Nhuận, xin làm đại lý bán xe ô tô du lịch cho Thaco. Từ tháng 6/2019, showroom Kia, Mazda tại địa chỉ số 7 Hoàng Minh Giám sẽ đi vào hoạt động. Maseco cho rằng kinh doanh ô tô sẽ là ngành nghề chủ lực của công ty từ năm 2019.
Mảng kinh doanh điện tử của Maseco lỗ 50 tỷ năm 2018
Maseco tiền thân là doanh nghiệp nhà nước Công ty Vật tư Dịch vụ Du lịch Phú Nhuận được thành lập từ năm 1991. Maseco đã từng xuất khẩu nông sản, chủ yếu là hồ tiêu và cà phê sang Châu Âu, Mỹ, Trung Đông và Nga với thương hiệu Maseco Pepper, nhưng Maseco được biết đến nhiều nhất với sản phẩm Arirang.
Công ty sản xuất và kinh doanh sản phẩm điện tử với sản phẩm nổi tiếng thương hiệu Arirang như đầu Karaoke kỹ thuật số, Âm ly, loa, Tivi …từ năm 1995. Sản phẩm đầu karaoke mang thương hiệu Arirang được tín nhiệm, sử dụng rộng rãi trong và ngoài nước, trên 10 năm liên tiếp được người tiêu dùng bình chọn là "Hàng Việt Nam chất lượng cao". Nhãn hiệu Arirang được công nhận là "Thương hiệu quốc gia" từ năm 2014, tiếp tục được công nhận trong giai đoạn 2016 -2018.
Xu hướng hát karaoke những năm gần đây đã hoàn toàn thay đổi, các loại đầu thu nội địa với các bài hát được nén trong đĩa đã không còn được ưa chuộng, có chăng thị trường bán hàng tập trung ở vùng nông thôn. Trong khi đó với thời đại kỹ thuật số, các bài hát mới liên tục được update trên Zing MP3 hay Youtube khiến giới trẻ muốn bắt nhịp với xu thế mới.
Các sản phẩm mic karaoke cầm tay nhập khẩu từ Hàn Quốc hoặc Trung Quốc có giá dao động từ 300.000 đồng – 1.500.000 đồng cũng là một sự lựa chọn mới với thiết kế có gắn bluetooth, người dùng có thể hát các bài hát mới cập nhật trên các app điện thoại hoặc youtube. Bên cạnh đó, các booth hát karaoke đặt cạnh các rạp chiếu phim, hay các trung tâm thương mại cũng là một sự lựa chọn cho giới trẻ.
Arirang cố chạy theo kịp xu hướng mới, công ty đã sản xuất sản phẩm đầu karaokie Smart K+, micro karaoke cầm tay nhưng với số vốn ít ỏi, Maseco không muốn đi tiếp con đường hàng điện tử thương hiệu Việt.
Một số ý kiến cho rằng chất lượng phần cứng của Arirang không cải thiện so với đối thủ, nền nhạc không hay do nén vào đĩa trong khi các bài phối online hay hơn nhiều. Còn đối với sản phẩm tivi led, hay đầu thu kỹ thuật số, Arirang khó có thể địch nổi với Samsung, Sony, LG...hiện nay, trong bối cảnh thu nhập của người dân đã bắt đầu tăng lên và người dùng đòi hỏi chất lượng sản phẩm ngày càng cao.
Số liệu cho thấy doanh thu bán hàng điện tử của Maseco giảm 4 năm liên tiếp, từ mức 600 tỷ năm 2015 hiện còn 173 tỷ năm 2018, mảng này năm 2015 lãi 135 tỷ thì năm ngoái lỗ 50 tỷ và đặt kế hoạch lỗ 50 tỷ năm 2019 để công ty thanh lý hết hàng tồn kho.
Arirang cắt mảng kinh doanh nông sản từ tháng 3/2019
Lợi nhuận sau thuế của Maseco
Maseco thoái vốn tại tất cả các công ty có vốn góp để thu hồi vốn đầu tư như Công ty điện tử Phương Đông, công ty Arirang Hà Nội, công ty Amteco, công ty Alo360, công ty Cà phê Tín nghĩa, rút khỏi danh sách công ty đại chúng và hủy niêm yết tại Sở GDCK Hà Nội.
Maseco tuyên bố chấm dứt hoạt động kinh doanh điện tử. Nhưng Maseco hiện chỉ nắm giữ 46% tại công ty TNHH Thương mại điện tử Arirang. Maseco không nói rõ có khai tử thương hiệu Arirang hay không khi rẽ sang hướng muốn kinh doanh ô tô. Câu chuyện của Arirang, Asanzo cho thấy các thương hiệu nội địa đang phải rất vất vả để có chỗ đứng trên thị trường.
Châu Cao