Phát biểu mở đầu đại hội, ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh và cũng là Chủ tịch của Mai Linh miền Bắc (mã MLN) cho biết, sau đại hội bất thường tại Mai Linh miền Bắc hôm nay (6/12), thì ngày 8/12 sẽ tiến hành đại hội Mai Linh miền Trung và ngày 10/12 đại hội tại Tập đoàn Mai Linh để xin ý kiến cổ đông kế hoạch sáp nhập Mai Linh về 1 mối, lấy tên là Tập đoàn Mai Linh.
Ông Hồ Huy cho biết, với 3 pháp nhân hiện tại, mỗi năm phải đại hội 3 lần, trong khi vẫn chung thương hiệu Mai Linh. Để 3 pháp nhân, khi thanh tra, kiểm toán quyết toán thuế thì Mai Linh miền Trung và Mai Linh miền Bắc trung bình phải mất 1 tuần làm việc. 3 bộ máy nhân lên chi phí hoạt động cũng rất cao.
Trước đây, toàn hệ thống cũng xác định sáp nhập lại 1 Mai Linh. Nhưng sau 5 năm, đến nay mới đủ điều kiện để thực hiện mà không xung đột quyền lợi.
Nếu có 1 Mai Linh, số vốn điều lệ sẽ đạt gần 2.000 tỷ đồng, các tiêu chí khác sẽ bao gồm tiết kiệm chi phí, áp dụng công nghệ.
Mai Linh có kinh doanh taxi là ngành nghề cốt lõi, áp dụng công nghệ để điều hành. App của Mai Linh đã áp dụng trên 54 tỉnh thành, Mai Linh cũng đang học hỏi các công ty công nghệ lớn như Uber Grab ,
Về Mai Linh Bike, trong 1 tháng thử nghiệm, đã có 5.000 người đăng ký tham gia hệ thống xe ôm Mai Linh. Nếu lan tỏa ở 63 tỉnh thành, Mai Linh sẽ là hệ thống dịch vụ tốt nhất khi không đầu tư vốn mà đầu tư vào công nghệ.
Nếu có 1 triệu xe ôm tham gia, hệ thống vận chuyển logistic sau này thì xe ôm Mai Linh cũng sẽ đảm nhận được. Mai Linh cũng sẽ nhận được thu nhập đến từ mảng này.
Ông Hồ Huy cho biết Mai Linh đã làm việc với Honda Vietnam và Piagio Vietnam và 2 đơn vị này tỏ ra rất hứng thú khi Mai Linh dự tính đặt xe màu sắc và hệ thống định vị gắn liền vào xe máy chứ không phải là trên điện thoại như hiện nay.
Định hướng phát triển là 1 công ty hợp nhất, phát huy thế mạnh của Mai Linh Taxi và thêm vào Xe ôm công nghệ Mai Linh.
Chủ tịch HĐQT Hồ Huy khẳng định: "Mai Linh nhất định không thể nào thua cuộc trên sân nhà".
Ông Hồ Quốc Phi - Tổng giám đốc MLN tự tin cho biết, với hiện tại, việc hợp nhất Mai Linh sẽ trở thành “1 bó đũa lớn”, đủ khả năng cạnh tranh với Uber, Grab.
Với kế hoạch hợp nhất, công ty hợp nhất sẽ phát hành cổ phần để hoán đổi lấy toàn bộ cổ phần đang lưu hành của các công ty bị hợp nhất.
Số lượng cổ phần dự kiến phát hành là 172,8 triệu cổ phần. Vốn điều lệ sau phát hành ở mức 1.728 tỷ đồng.
Mỗi cổ phần của CTCP Tập đoàn Mai Linh sẽ được hoán đổi với 1,2819 cổ phần công ty hợp nhất. Mỗi cổ phần MLN được hoán đổi với 1,2240 cổ phần công ty hợp nhất và mỗi cổ phần Mai Linh miền Trung được hoán đổi với 2,5444 cổ phần công ty hợp nhất.
Công ty hợp nhất có kế hoạch doanh thu 3 năm tới tăng trưởng 9-10%, kế hoạch lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mỗi năm 15%. Năm 2018, công ty hợp nhất lên kế hoạch đạt 6.163 tỷ đồng doanh thu và 120 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Về kế hoạch cổ tức, cổ tức 3 năm tới quanh mức 5-6%.
Trong phần thảo luận, Chủ tịch HĐQT Hồ Huy cho biết việc hợp nhất công ty 3 miền là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Bởi cuộc cạnh tranh với Uber Grab là cuộc chơi của những người lớn chứ không phải công ty nhỏ.
Với tình thế này, áp lực công nghệ là vấn đề sống còn của hoạt động kinh doanh.
Trả lời về kế hoạch đưa cổ phiếu công ty hợp nhất lên giao dịch ở sàn chứng khoán không, ông Hồ Huy cho biết sẽ đưa cổ phiếu lên giao dịch tại thị trường giao dịch chứng khoán tập trung. Sau khi hợp nhất, giá trị và thanh khoản giao dịch của cổ phiếu sẽ tốt hơn nhiều hiện nay.
Trả lời yêu cầu tăng cổ tức của cổ đông sau khi hợp nhất, ông Hồ Huy cho rằng: “Nếu đuổi được Uber, Grab ra khỏi Việt Nam thì cổ tức sẽ không chỉ là 5%”.
Để cho Uber Grab thắng Mai Linh thì không có ai vui khi doanh nghiệp nội lại để thua một doanh nghiệp nước ngoài ngay trên sân nhà, ông Huy nói.
Theo Nguyên Minh
BizLIVE