Chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, kịch bản tăng trưởng kinh tế tốt nhất năm nay chỉ còn ở mức 5,05-5,32% (theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư). GDP ghi nhận tăng 3,82% trong quý 1, mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Song song, PMI ở mức 32,7, thấp nhất trong nhiều năm, được biết PMI thấp là xu thế chung của nhiều nước trên thế giới.
Trong đó, Chính phủ chủ trương đẩy mạnh đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng (700.000 tỷ đồng), tung tổng các gói hỗ trợ kinh tế ước tính 600.000 tỷ - tương đương 10% GDP.
Về phía chính sách tiền tệ, ngân hàng nhà nước (NHNN) đã liên tục cắt giảm các mức lãi suất điều hành kể từ tháng 9/2019. Mục đích của việc cắt giảm lãi suất nhằm (1) kích thích tăng trưởng thông qua kích thích đầu tư, khôi phục sản xuất với chi phí vốn thấp hơn và (2) tăng khả năng trả nợ của người đi vay và tăng nhu cầu vay vốn, từ đó gián tiếp giảm nợ xấu.
Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán Mirae Asset nhận định việc cắt giảm lãi suất điều hành sẽ tác động đến lãi suất liên ngân hàng.
Thực tế lãi suất liên ngân hàng thường giảm mạnh sau mỗi đợt cắt giảm các mức lãi suất điều hành. Nhìn lại dữ liệu lịch sử, lãi suất trên thị trường 2 này luôn được điều hành tốt thông qua việc bơm/hút ròng trên thị trường mở (OMO). Theo đó, việc giảm lãi suất sẽ tác động lên đồng thời cả chiều huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, đây là tác động 2 chiều nên biên thu nhập lãi thuần (NIM) của ngân hàng sẽ chịu tác động bù trừ, do đó ít bị ảnh hưởng. Theo Chứng khoán Mirae Asset, giảm lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ kích thích tăng trưởng tín dụng, ước tính 10% năm nay.
Thứ hai, tác động lên ngành ngân hàng kéo tăng trưởng tín dụng dự báo sẽ chậm lại (tăng khoảng 10%); 70% danh mục tín dụng sẽ chịu tác động từ Covid-19.
Thứ ba trên thị trường nợ, lợi suất trái phiếu chính phủ đã giảm mạnh từ đầu năm 2019 đến nay, tạo ra sự phân kỳ giữa lợi suất trái phiếu và lợi suất cổ phiếu trên thị trường vốn.
Vốn dĩ, theo lý thuyết (FED model và BEER để xác định thị trường giá lên hay giá xuống), hai loại lợi suất này sẽ hội tụ lại. Tức, khi lợi suất trái phiếu tiếp tục giảm, khả năng lợi suất thu nhập cổ phiếu có xu hướng giảm.
Với luận điểm này, Chứng khoán Mirae Asset kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ tăng để làm cho lợi suất thu nhập cổ phiếu giảm xuống và cân bằng với lợi suất trái phiếu. Quan sát lại dữ liệu lịch sử cũng cho thấy điểm tương đồng giai đoạn 2015-2016.
Tổng hợp các gói kích thích tài khóa và tiền tệ, cũng như gói đầu tư công ước tính khoảng 20% GDP. Các yếu tố hỗ trợ khác có thể kể đến gồm tỷ giá ổn định; các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường từ tháng 5, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ vay cho doanh nghiệp gặp khó khăn, niềm tin tiêu dùng cao…
Tuy nhiên, đơn vị chứng khoán này cũng lưu ý vấn đề không gian tài khóa (tăng chi tiêu công) không còn nhiều: Thâm hụt ngân sách có thể lên đến 3,44% GDP năm nay. Theo đó, cần phối hợp đồng thời cả nới lỏng tài khóa và tiền tệ (tăng cung tiền) để thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư.
Tựu chung, Việt Nam đã làm tốt việc hạn chế sự lây lan Covid-19: Đây là hành động chấp nhận hy sinh tăng trưởng kinh tế. Như vậy, khi cơ bản hoàn thành việc chống dịch, đến nay giảm lãi suất và tăng cung tiền là 2 biện pháp nhanh nhất hỗ trợ các hoạt động kinh tế. Trong đó, Chứng khoán Mirae Asset đặc biệt nhấn mạnh lợi suất trái phiếu giảm mạnh trong khi lợi suất thu nhập cổ phiếu chưa giảm mạnh, tức kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ tăng để cân bằng lợi suất trên hai thị trường trên.
Tri Túc