Ông Huỳnh Nam Dũng (sinh năm 1956) là Chủ tịch Hội đồng quản trị MHB từ năm 2002 và được tái bổ nhiệm vào năm 2007. Ông là một trong những người đầu tiên tham gia vào quá trình thành lập MHB với tư cách thành viên Ban trù bị. Sau khi MHB được thành lập vào năm 1997, ông Dũng được bổ nhiệm vào chức vụ Phó Tổng Giám đốc.
Ngân hàng “chết” vì cứu công ty chứng khoán thua lỗ
Năm 2015, ông Huỳnh Nam Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị MHB nắm 8,12% vốn điều lệ của MHBS có vốn điều lệ 170 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh của MHBS liên tục sa sút, thua lỗ âm vốn chủ sở hữu. Ngày 10/6/2015, Uỷ ban chứng khoán đã quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán và lưu ký chứng khoán của MHBS trong thời gian từ ngày 24/6 đến 24/12/2015, vì MHBS không đáp ứng các điều kiện quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính.
Cụ thể, tại thời điểm 30/6/2015, tỷ lệ an toàn vốn khả dụng ở mức âm 396%, thua lỗ lớn tới 259,5 tỷ đồng, nâng số lỗ lũy kế lên đến 345 tỷ đồng, gấp đôi vốn điều lệ lúc đó là 170 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đã bị “hao hụt” nghiêm trọng, dẫn tới âm 173,87 tỷ đồng.
Đến hết quý III/2015, MHBS vẫn tiếp tục lỗ luỹ kế 258 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu bị âm 171 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ phải trả gần 329 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn lên tới 286 tỷ đồng, và 42,7 tỷ đồng nợ dài hạn.
Áp lực trả nợ ngắn hạn đến từ các khoản phải trả, phải nộp ngắn hạn là 272 tỷ đồng. Dự phòng các khoản phải thu khó đòi âm tới 361 tỷ đồng. Tuy nhiên, MHBS đã không trình bày thuyết minh cụ thể của các khoản này trên báo cáo.
Ngân hàng MHB trước khi sáp nhập vào ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam ( BIDV ) có vốn điều lệ 3.600 tỷ đồng. Kết quả hoạt động kinh doanh năm 2014 có cải thiện khi lợi nhuận trước thuế tăng 13% so với năm trước đó và đạt 165 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của MHB lại tăng từ 2,65% lên mức 2,72% và phải trích dự phòng rủi ro tín dụng và trái phiếu VAMC là 191 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thương vụ sáp nhập 55 ngày thần tốc giữa BIDV với MHB hồi tháng 5/2015 đã khiến BIDV ghi nhận khoản lỗ lũy kế 552,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm từ 6.382 tỷ đồng còn 5.842 tỷ đồng (lợi ích của cổ đông thiểu số là 12 tỷ đồng).
Truy tố 17 người gồm lãnh đạo , nhân viên MHB và MHBS
Đến ngày 29/01/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã thực hiện quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Huỳnh Nam Dũng, ông Nguyễn Phước Hòa cùng một số cán bộ của công ty chứng khoán MHBS nhằm phục vụ điều tra sai phạm tại công ty này.
Đến ngày 06/02/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại ngân hàng TMCP phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB), công ty cổ phần chứng khoán ngân hàng MHB (MHBS) và các đơn vị liên quan.
Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đề nghị truy tố bị can Huỳnh Nam Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị MHB, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị MHBS (ông Dũng góp 8,12% vốn điều lệ vào MHBS); Nguyễn Phước Hòa, nguyên Tổng giám đốc MHB; Bùi Thanh Hưng, nguyên Phó Tổng giám đốc MHB; Nguyễn Văn Thanh, nguyên Kế toán trưởng ngân hàng MHB; Lữ Thị Thanh Bình, Đặng Văn Hòa, nguyên Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc MHBS và 11 bị can khác có liên quan về hai tội danh nêu trên.
Theo kết luận điều tra, tháng 11/2010, qua kiểm toán nội bộ của MHB, phát hiện MHBS thua lỗ liên tiếp, trong đó năm 2008 thua lỗ hơn 36,6 tỷ đồng, năm 2009 thua lỗ hơn 41,5 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2010 lỗ từ hoạt động tự doanh gần 13 tỷ đồng…
Để cứu MHBS, ông Huỳnh Nam Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản lý tài sản nợ - tài sản có (Hội đồng ALCO) của MHB cùng các thành viên đã thực hiện chuyển vốn từ ngân hàng MHB sang MHBS dưới hình thức hợp tác đầu tư trái phiếu Chính phủ, để MHBS đem gửi có kỳ hạn tại các chi nhánh MHB hưởng chênh lệch lãi suất, đồng thời sử dụng chính nguồn vốn của ngân hàng MHB tạm ứng tiền cho các công ty trung gian thực hiện việc mua bán trái phiếu Chính phủ của ngân hàng MHB, sau đó bán lại cho MHBS.
Cơ quan điều tra cho rằng, chủ trương chuyển vốn nêu trên của Ban lãnh đạo MHB là vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, cũng như các quy định của của Ngân hàng Nhà nước, khiến MHB thiệt hại số tiền gốc 272 tỷ đồng.
Bằng cách làm nêu trên, MHBS được hưởng lợi hơn 60,8 tỷ đồng; Công ty cổ phần đầu tư Thủ đô Huy Khánh hưởng lợi hơn 3,3 tỷ đồng; Công ty Đại Phong Nguyên hưởng lợi 151 triệu đồng; Công ty Cổ phần Econ Plus hưởng lợi 131 triệu đồng; bị can Trương Thanh Liêm, nguyên Phó giám đốc khối ngân hàng đầu tư MHBS, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Econ Plus hưởng lợi 280 triệu đồng…
Hành vi của các bị can gây thiệt hại lớn cho MHBS. Đáng chú ý, quá trình giao dịch, Ban Tổng giám đốc MHBS đã chỉ đạo rút hơn 1,2 tỷ đồng từ một trong 2 tài khoản nêu trên để sử dụng mục đích cá nhân. Trong đó, Lữ Thị Thanh Bình, nguyên Tổng Giám đốc MHBS hưởng lợi 58 triệu đồng…
Theo kết luận điều tra, trong vụ án này, bị can Huỳnh Nam Dũng là người có trách nhiệm quản lý vốn của Nhà nước trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng MHB nhưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, làm trái quy định, gây thiệt hại tài sản nhà nước với số tiền gần 299 tỷ đồng.
Theo Lan Anh
BizLIVE