Dù là công ty chứng khoán nhỏ với số vốn 60 tỷ đồng nhưng MHBS đã đi vay dài hạn hoặc phát hành trái phiếu hàng trăm tỷ đồng để đầu tư chứng khoán và tài trợ cho khách hàng giao dịch chứng khoán ngày sau khi đi vào hoạt động năm 2007.
Đây là nguồn gốc của các sai phạm tại MHBS được cơ quan điều tra phát hiện, khiến các lãnh đạo bị khởi tố và khiến công ty này gần như biến mất sau 10 năm thành lập.
Trên thực tế, các thông tin tài chính của MHBS được công bố chi tiết từ năm 2011 đã vẽ ra con đường mà các lãnh đạo công ty này đã biến một công ty có vốn 170 tỷ đồng (từ năm 2009) thành âm 170 tỷ đồng vào giữa năm 2015.
Việc MHB chuyển hàng trăm tỷ đồng cho MHBS để đặt cọc cho công ty này tìm mua trái phiếu chính phủ không khác gì một hình thức cung cấp tín dụng của ngân hàng mẹ cho công ty con. Mà điều này là vi phạm quy định của Luật tổ chức tín dụng.
Đáng chú ý là mức lãi suất hoàn trả số tiền đặt cọc (hay bản chất là chi phí lãi của những “khoản vay” này) rất thấp, chỉ khoảng 1,2%/năm như được báo cáo trong các năm 2013 và 2014. Trong khi lãi suất huy động của các ngân hàng trong các năm này luôn ở mức 6 – 7%/năm.
Sau khi được bơm vốn, MHBS đã tài trợ cho các khác hàng qua các hợp đồng hợp tác/ hỗ trợ đầu tư và các khoản phải thu khách hàng. Tổng giá trị các khoản này là hơn 400 tỷ đồng được duy trì liên tục từ năm 2010.
Mặc dù vậy MHBS chỉ dự phòng khiêm tốn cho khối tài sản này. Giữa năm 2015, khi ngân hàng mẹ MHB sáp nhập vào BIDV, công ty này đã phải dự phòng đến 90% các khoản phải thu này.
Việc phải tăng chi phí dự phòng thêm 240 tỷ đồng đã khiến MHBS lỗ kỷ lục và bị âm vốn chủ sở hữu 170 tỷ đồng.
An Huy