Tính đến thời điểm hiện nay đã có trên 90% số doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn chứng khoán đã công bố BCTC quý 2/2016. Theo đó đã có khoảng gần 70 doanh nghiệp báo lỗ trong quý 2 - chiếm tỷ lệ khoảng 10% trong tổng số các doanh nghiệp đã công bố báo cáo, con số này giảm đáng kể so với cùng kỳ.
Danh sách thua lỗ phản ánh sự phân hóa rõ nét khi những doanh nghiệp có mức thua lỗ lớn nhất trong quý 2 chênh lệch rất lớn so với những doanh nghiệp còn lại, tổng mức lỗ của 20 doanh nghiệp top đầu cao gấp hơn 20 lần tổng mức lỗ của gần 50 doanh nghiệp còn lại. Có khoảng gần 50 doanh nghiệp có mức lỗ vài tỷ đồng.
Theo đó những khoản lỗ lớn nhất trong quý 2 đã trở thành những con số đáng lưu tâm, câu hỏi được nhà đầu tư quan tâm là vì sao những doanh nghiệp này lỗ lớn?
Quán quân lỗ TTF
Với việc đột ngột lỗ hơn 1.100 tỷ trong quý 2, vị trí quán quân thua lỗ đã thuộc về Gỗ Trường Thành (TTF), câu chuyện của TTF cũng đã trở thành chủ đề nóng trong suốt vài tuần qua. Cụ thể, trong thuyết minh giá vốn 6 tháng đầu năm của TTF đột ngột xuất hiện khoản mục “Hàng tồn kho phát hiện thiếu khi kiểm kê” lên tới 980 tỷ đồng. Con số này được xác định trên cơ sở kết quả kiểm toán của Công ty kiểm toán EY 6 tháng đầu năm 2016 tại TTF. Điều này dẫn đến chi phí giá vốn quý 2 tăng vọt và TTF lỗ ròng 1.073 tỷ đồng. Đồng thời, số liệu tài chính tại thời điểm cuối năm trước (31/12/2015) bị điều chỉnh hồi tố 1 số khoản mục, trong đó điều chỉnh lớn nhất là các khoản phải thu ngắn hạn với mức giảm 218 tỷ đồng.
Cặp đôi OGC, OCH
Biến động ảnh hưởng lớn nhất trong kỳ của Ocean Group (OGC) là khoản lỗ 22,6 tỷ đồng từ hoạt động liên doanh, liên kết và khoản mục chi phí QLDN bất ngờ tăng lên gần 460 tỷ đồng do trích lập dự phòng các khoản phải thu quá hạn thanh toán đã khiến OGC báo lỗ ròng 446 tỷ đồng. Trong khi đó một thành viên trong tập đoàn Đại Dương là Khách sạn và DV Đại Dương (OCH) cũng đã công bố mức lỗ gần 79 tỷ đồng do chi phí phát sinh trong kỳ tăng cao.
Tại OCH vẫn tồn tại khoản phải thu ngắn hạn 128 tỷ đồng và dài hạn 500 tỷ đồng đối với ông Hà Trọng Nam.
Lỗ do trích lập dự phòng vào các khoản đầu tư
Danh sách thua lỗ lớn trong quý 2 có thể thấy có rất nhiều doanh nghiệp có nguyên nhân đến từ việc trích lập dự phòng.
Trong khi KLS chịu lỗ ròng 158 tỷ đồng do chi phí dự phòng tài sản tài chính, xử lý tổn thất các khoản phải thu khó đòi… lên tới gần 190 tỷ đồng thì AGR cũng báo lỗ trước thuế hơn 205 tỷ đồng do trích lập dự phòng gần 155 tỷ đồng đối với khoản đầu tư vào cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai. Khoản đầu tư này theo giá thị trường chỉ còn hơn 60 tỷ đồng. Một công ty chứng khoán khác là TM & Công nghiệp Việt Nam (VIG) báo lỗ hơn 23 tỷ đồng, ghi nhận mức lỗ lớn nhất kể từ quý 2/2012. Theo VIG, quý 2/2016, Công ty đã tất toán các hợp đồng ủy thác cổ phiếu từ năm 2010 để đảm bảo tỷ lệ đầu tư theo quy định hạn chế đầu tư tại Thông tư 210. Đồng thời Công ty cũng thoái vốn số cổ phiếu tự doanh tại CTCP Tòa nhà Công nghệ thông tin - Truyền thông Hà Nội làm lỗ gần 20 tỷ đồng.
Sông Đà 7 (SD7) cùng vì phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư hơn 23 tỷ đồng nên lỗ ròng 40,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ cũng lỗ gần 6,6 tỷ đồng.
Quý 2/2016, Xuất Nhập Khẩu Quảng Bình (QBS) lần đầu báo lỗ nặng kể từ khi niêm yết do đầu tư vào cổ phiếu CTCP DAP – VINACHEM, trong kỳ QBS phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán và tổn thất hơn 42 tỷ đồng khiến LNST âm 22 tỷ đồng.
Cũng có liên quan đến hoạt động đầu tư vào Vinachem khiến Nam Việt (ANV) báo lỗ lớn lên tới 114 tỷ đồng. Cụ thể, hoạt động liên doanh liên kết ghi nhận khoản lỗ lên tới 114,5 tỷ đồng là nguyên nhân chính “đánh chìm” kết quả kinh doanh trong khi của ANV khiến công ty chịu khoản lỗ ròng 112,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 6 tỷ đồng. Theo giải trình từ phía công ty thì đây chính là khoản lỗ của công ty DAP2 số tiền gần 114 tỷ đồng.
Quả tạ “tỷ giá”
Biến động về tỷ giá tiếp tục là nguyên nhân khiến cho Nhiệt điện Phả Lại (PPC) chịu lỗ nặng 2 quý liên tiếp. Cụ thể do phải chịu lỗ do chênh lệch tỷ giá gần 416 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 31 tỷ đồng đã đẩy PPC đến con số lỗ hơn 192 tỷ đồng trong quý 2 sau khi lỗ hơn 157 tỷ đồng trong quý 1.
Vận tải biển chưa thoát cơn bĩ cực
Lợi nhuận quý 2 của Vận tải biển Việt Nam (Vosco - VOS) tiếp tục âm hơn 80 tỷ đồng. Đây là quý thứ 6 liên tiếp VOS có kết quả kinh doanh thua lỗ. Tương tự Vận tải biển Vinaship (VNA) cũng kéo dài chuỗi ngày thua lỗ với khoản lỗ ròng 21 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước công ty cũng lỗ gần 20 tỷ đồng. Hai doanh nghiệp này đều cho biết quý 2/2016 tiếp tục là giai đoạn khó khăn của ngành vận tải biển, chỉ số giá cước vận tải biển hàng rời (BDI) cao nhất là 715 điểm vào ngày 27/4 nhưng vẫn thấp hơn 100 điểm so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó những cái tên thua lỗ khác như UDC lỗ hơn 38 tỷ đồng trong quý 2/2016 do trong kỳ công ty thực hiện chuyển nhượng dự án dưới giá vốn, Khoáng sản Na Rì Hamico (KSS) do trong kỳ không có một đồng doanh thu nào trong khi vẫn phát sinh chi phí khiến KSS tiếp tục chịu lỗ 28,6 tỷ đồng.
Nếu tính chung cho cả nửa năm 2016, TTF cũng là doanh nghiệp có mức thua lỗ lớn nhất, tiếp theo là OGC, KLS, ANV, UDC, VIG, PVC và TIE.
Ngọc Minh
HNX&HSX