Mới đây, sự kiện Chứng khoán Kim Long (KLS) lên kế hoạch hành giải thể công ty đã gây xôn xao trên TTCK. Theo phương án được công bố, Kim Long sẽ chi trả cho mỗi cổ đông khoảng 11.000 đồng/cp, cao hơn thị giá hiện tại của cổ phiếu và mức giá này hẳn sẽ làm hài lòng cho cổ đông nắm giữ KLS.
Tuy vậy, việc CTCK lâu đời như Kim Long tiến hành giải thể chắc sẽ để lại nhiều điều nuối tiếc, không chỉ với những người sáng lập công ty mà còn với cả những nhà đầu tư gắn bó lâu năm trên thị trường.
Kim Long giải thể, điều không quá bất ngờ!
Được thành lập từ năm 2006 và chỉ sau vài năm hoạt động, Kim Long đã tăng vốn lên trên 2.000 tỷ đồng, trở thành một trong những CTCK có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam. Tuy vậy, hoạt động kinh doanh của Kim Long lại không thực sự hiệu quả khi lợi nhuận khá phập phù và nhiều năm lỗ lớn.
Theo công bố, Kim Long sở hiện hữu trên 10 nghìn tài khoản giao dịch, tuy nhiên công ty chưa từng một lần góp mặt vào top 10 CTCK có thị phần môi giới lớn nhất 2 sàn.
Với mảng tự doanh, Kim Long loay hoay trong nhiều năm mà không biết nên làm gì. Từng có thời điểm, Kim Long cầm trong tay cục tiền 1.800 tỷ đồng nhưng lại quyết định….đem gửi ngân hàng do không tìm được hướng đầu tư. Sau này, những khoản đầu tư vào cổ phiếu bất động sản hay cổ phiếu dầu khí cũng không mang lại hiệu quả cho công ty.
Bên cạnh đó, các nghiệp khác của CTCK như tư vấn, bảo lãnh phát hành….cũng không phải thế mạnh của Kim Long.
Có thể thấy, sau nhiều năm lăn lộn trên TTCK Việt Nam, Kim Long dường như không để lại bất kỳ dấu ấn nào. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh trên TTCK ngày càng gia tăng, việc tiếp tục duy trì một công ty không có bản sắc không phải là điều mà ban lãnh đạo Kim Long muốn. Do đó, quyết định rút lui của Kim Long cũng là điều không quá bất ngờ.
Câu chuyện giải thể CTCK chưa có hồi kết
Giai đoạn 2006-2009 chứng kiến sự bùng nổ của TTCK Việt Nam, đó cũng là thời kỳ nhà nhà làm chứng khoán, người người đầu tư chứng khoán. Thời kỳ đỉnh cao, số lượng các CTCK hoạt động lên tới hơn 100, đó là con số quá lớn so với thị trường còn sơ khai như Việt Nam.
Hệ quả, cung vượt quá cầu dẫn tới áp lực cạnh tranh tăng mạnh và không ít CTCK đã phải giải thể. Trường hợp giải thể đầu tiên trên TTCK Việt Nam được ghi nhận vào năm 2013 thuộc về CTCK Sao Việt. Khi đó, Sao Việt đã chia cho cổ đông 6.900đ/cp, cao gần gấp đôi so với giá cổ phiếu khi đó.
Sau Sao Việt, hàng loạt cái tên khác như Chứng khoán Chợ Lớn, Âu Việt, Saigon Tourist….cũng tiến hành giải thể do không đủ lực cạnh tranh trên thị trường “đất chật, CTCK đông” như hiện nay.
Nhiều trường hợp khác thì chọn cách hợp M&A lẫn nhau để “sống sót”. Có thể kể tới như trường hợp Chứng khoán Á Âu hợp nhất với Chứng khoán Hải Phòng; Chứng khoán Phú Hưng hợp nhất Chứng khoán An Thành hay mới đây, Kim Long cũng từng đánh tiếng sáp nhập với một vài CTCK nhưng bất thành….
Theo thống kê, số lượng CTCK còn hoạt động tại thời điểm cuối năm 2015 chỉ còn 81, tương ứng giảm 1/4 so với thời kỳ đỉnh cao vài năm trước đó nhưng đây vẫn là con số khá lớn.
Hiện tại, thị phần môi giới chứng khoán chủ yếu nằm trong tay 10 CTCK top đầu với khoảng 70% thị phần. Trong khi, 70 CTCK còn lại tranh nhau miếng bánh nhỏ bé 30% dẫn tới áp lực cạnh tranh, đào thải tăng mạnh. Chủ tịch Hose- ông Trần Đắc Sinh từng nhận định số lượng CTCK cần thiết để hoạt động tại Việt Nam hiện chỉ khoảng 30 là hợp lý.
Báo cáo KQKD năm 2015 cho thấy không ít CTCK hiện đang sống “lay lắt” như Alpha, Phượng Hoàng, Phú Gia, Đệ Nhất, Euro Capital….và việc các CTCK này tiến hành giải thể (nếu có) hẳn sẽ là điều không quá bất ngờ.
Hoàng Anh