Một trong những câu chuyện được bàn tán nhiều nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam những ngày đầu tháng Tư này là việc công ty chứng khoán Kim Long (KLS) quyết định giải thể sau 10 năm hoạt động.
Trả lời báo Đầu tư chứng khoán, Chủ tịch KLS ông Hà Hoài Nam cho rằng quyết định giải thể là tốt nhất cho các cổ đông, khi công ty hiện đang có 1.600 tỷ tiền gửi ngân hàng. Lý do muốn giải thể được KLS đưa ra là do quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam quá nhỏ bé, việc cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán khó khăn, và do thị giá của KLS đang giao dịch dưới giá trị sổ sách.
Khi thuyền trưởng luôn muốn bỏ con tàu của mình
KLS từng sở hữu lợi thế rất lớn nhờ nhanh chóng huy động được nguồn vốn khổng lồ trong giai đoạn chứng khoán Việt Nam còn “sơ khai”. Nhưng vì nhiều lý do mà ban lãnh đạo của công ty đã không quyết tâm biến những lợi thế đó thành hiện thực, nguồn vốn lớn của công ty đã không được sử dụng hiệu quả.
Trong một truyện tranh manga Slamdunk khá nổi tiếng của Nhật Bản, cầu thủ bóng rổ trung học Mitsui Hisashi có dấu hiệu buông xuôi khi đội nhà đang ở trong thế bất lợi. Lúc đó, huấn luyện viên bước đến chỗ Mitsui và khi đưa cho cậu trái bóng, ông đã nói một câu làm thay đổi cuộc đời cậu: "Đừng bao giờ từ bỏ cho đến những giây phút cuối cùng. Nếu bây giờ cậu từ bỏ thì xem như trận đấu đã kết thúc." Mitsui một lần nữa cướp bóng và lần này, cậu đã ghi điểm thành công. Đội của cậu giành chức vô địch còn bản thân cậu đựơc bình chọn một cầu thủ xuất sắc.
“Trận đấu” của KLS cũng xem như đã kết thúc, vị thuyền trưởng của KLS dường như đã buông xuôi sau khi những nỗ lực tự doanh cũng như phát triển môi giới không có hiệu quả. Thực ra, KLS đã muốn bỏ cuộc từ cách đây 5 năm rồi.
Câu chuyện KLS muốn giải thể không phải là câu chuyện mới. Năm 2011, sau khi đã hoàn tất quá trình tăng vốn lên 2.000 tỷ, KLS đã muốn rời bỏ lĩnh vực chứng khoán để chuyển hướng sang đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, do bị giới hạn bởi Luật chứng khoán, một công ty chứng khoán không thể chuyển sang đầu tư bất động sản, chỉ trừ trường hợp giải thể công ty rồi thành lập pháp nhân mới. Và KLS lại tiếp tục hoạt động đến thời điểm này, cụ thể hơn là hoạt động không mấy hiệu quả trong những năm gần đây dù sở hữu khối tài sản rất lớn.
KLS hoạt động không còn hiệu quả sau khi có ý định "bỏ" lĩnh vực chứng khoán từ năm 2011
Thị trường chứng khoán Việt Nam không có nhiều cơ hội cho KLS phát triển?
Trên website của công ty, thông điệp KLS muốn gửi đến nhà đầu tư trước đây “KLS tự hào là một trong những công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam hiện nay. Chỉ trong vòng 5 năm, chúng tôi đã nhanh chóng tăng vốn điều lệ từ 18 tỷ đồng lên 2.025 tỷ đồng".
Đọc đoạn giới thiệu này, rồi lại đọc tin giải thể công ty, thấy có điều gì đó…không đúng.
Lý do thứ nhất KLS đưa ra là quy mô TTCK Việt Nam quá nhỏ bé, cạnh tranh của các CTCK gay gắt và thị phần thuộc về các công ty lớn. Không hiểu định nghĩa công ty lớn của KLS ở đây là gì, vì nếu so về quy mô vốn, KLS đứng thứ 3 trên thị trường, chỉ sau SSI và Agriseco. Quy mô vốn của KLS cao hơn HSC 62%, cao hơn VNDirect 35% và gấp 4 lần Bản Việt.
Ở thời điểm năm 2016, quy mô TTCK Việt Nam là 1,3 triệu tỷ đồng, tương đương 35% GDP, còn ở thời điểm lúc KLS xin tăng vốn lên 2.000 tỷ, lúc đó quy mô TTCK Việt Nam chỉ ở mức 700 nghìn tỷ đồng, tức là ở thời điểm này, quy mô TTCK Việt Nam tăng gần gấp đôi.
Lý do thứ hai được đưa ra, là vì công ty muốn bảo toàn nguồn lực mà hiệu quả kinh doanh không cao. Xét về khía cạnh kinh tế, điều này chắc chắn cổ đông ủng hộ. Nhưng nếu công ty niêm yết nào cũng như KLS, huy động một nguồn lực tiền khổng lồ từ TTCK và loay hoay trong suốt nhiều năm trời để rồi mang tiền đi gửi ngân hàng và một ngày muốn chia tiền cho cổ đông, thì có lẽ, nhiệm vụ trở thành kênh dẫn vốn của TTCK đã đi sai hướng.
Nó sẽ trở thành một tiền lệ xấu, nếu cứ có công ty nào có thị giá giao dịch dưới giá trị sổ sách cũng muốn giải thể công ty, thì đến giai đoạn khi TTCK gặp khó khăn sẽ có hàng loạt đơn xin giải thể nộp cho UBCK.
Trong suốt thời gian kể từ khi tăng vốn, người ta không thấy KLS xông xáo trong cuộc đua thị phần môi giới, số lượng tài khoản của Kim Long tăng liên tục trong những năm 2007-2010, nhưng sau đó gần như đi ngang cho đến năm 2015; nguồn vốn chủ yếu tập trung cho tự doanh và kinh doanh nguồn, doanh thu 2 mảng này luôn chiếm trên 90% tổng doanh thu.
Nhưng cách Kim Long đầu tư cũng khiến nhà đầu tư không an tâm, năm 2015 giá dầu giảm 50% trong khi danh mục của Kim Long đầy cổ phiếu dầu khí, kiến công ty chịu lỗ hơn 68 tỷ đồng.
Trả lời báo Đầu tư chứng khoán, Kim Long cho biết tại thời điểm này số tiền gửi ngân hàng của công ty là 1.600 tỷ đồng (tương đương 8.000 đồng/cp), danh mục cổ phiếu tự doanh của KLS hiện còn khoảng 300 tỷ giá trị cổ phiếu niêm yết và số này sẽ được bán dần để tránh thiệt hại cho công ty.
Tại thời điểm 31/3/2016 KLS không công bố thuyết minh báo cáo tài chính, nhưng tại thời điểm 31/12/2015 công ty này còn có 17,89 triệu cổ phiếu chưa niêm yết và theo lời ông Nam, trong quý 2 KLS có thể sẽ phát sinh lỗ khi thanh hoán số cổ phiếu OTC này.
Theo phương án giải thể của KLS, giá trị thanh lý mỗi cổ phiếu nếu chiết khấu 15% so với giá trị sổ sách tại thời điểm 31/3/2016 sẽ là 10.615 đồng/cp, và nếu chiết khấu 10% có thể lên tới 11.240 đồng/cp. Giá cổ phiếu KLS đã tăng nhẹ trong phiên giao dịch cuối tuần qua sau khi thông tin này được rò rỉ.
Nhưng thời gian từ giờ đến 25/4 là ngày đại hội cổ đông của KLS và đến thời điểm công ty thanh hoán hết toàn bộ danh mục, liệu các chi phí phát sinh xung quanh có làm giảm giá trị thanh lý mỗi cổ phiếu KLS hay không?
Sẽ còn nhiều câu hỏi khác mà cổ đông sẽ đặt ra cho ban lãnh đạo công ty trước khi tiến hành biểu quyết có giải thể hay không. Tuy nhiên, trước việc ban lãnh đạo công từ lâu đã không mấy mặn mà với lĩnh vực chứng khoán thì chấp thuận phương án giải thể có lẽ sẽ là giải pháp tốt cho tất cả các bên. Khảo sát của CafeF cho thấy, trong số hơn 2.000 nhà đầu tư tham gia khảo sát thì cho 2/3 ủng hộ quyết định giải thể của công ty.
Minh Châu