- Tính đến cuối năm 2014, lỗ lũy kế của HPC là 198 tỷ đồng, phải gần 10 năm mới xóa hết, cổ đông sẽ không được nhận cổ tức cho dù kinh doanh có lãi.
- Hợp nhất với 1 CTCK khác giúp HPC xóa lỗ lũy kế
- CTCK được lựa chọn là Chứng khoán Á Âu (AAS)
Tại ĐHCĐ thường niên 2015 của CTCP Chứng khoán Hải Phòng (Haseco - HPC), một vấn đề tiếp tục được đưa ra bàn thảo phân tích đa chiều là việc hợp nhất với mục đích xóa lỗ lũy kế. ĐHCĐ thường niên 2014 của công ty này cũng đã từng đưa ra vấn đề này, tuy nhiên kế hoạch chưa thực sự rõ ràng.
Lỗ lũy kế, xóa bao giờ mới hết?
Tính đến cuối năm 2014, số lỗ lũy kế của Haseco vẫn còn 198 tỷ đồng. Với lợi nhuận mỗi năm xung quanh 20 tỷ đồng như hiện tại, Chứng khoán Hải Phòng cần tới 10 năm để xóa hoàn toàn khoản lỗ kể trên.
Thực ra, công ty này vẫn còn gần 72 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần, và gần 35 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển. Tuy nhiên, có vẻ Chứng khoán Hải Phòng chưa có kế hoạch lấy những khoản mục nói trên để bù đắp lỗ lũy kế.
Hợp nhất - bài toán không dễ dàng
Năm ngoái, HPC đã đề cập đến việc hợp nhất với 1 công ty chứng khoán khác, không ngoài mục đích xóa lỗ lũy kế. Phát biểu tại ĐHCĐ, một cổ đông cho rằng HPC nên lựa chọn một công ty đủ mạnh để cùng hợp nhất vì như thế mới có thể bứt phá được nhờ những nguồn lực sẵn có từ công ty đó. Nếu đơn thuần hợp nhất chỉ để xóa lỗ, chắc chắn giá cổ phiếu HPC sau hợp nhất sẽ giảm.
Chủ tịch HĐQT HPC cho rằng, theo đề án tái cấu trúc TTCK, chỉ các CTCK mạnh mới có thể tồn tại. Còn lại sẽ bị giải thể, thu hồi giấy phép, hoặc đưa vào dạng kiểm soát đặc biệt. Bất kỳ trường hợp nào xảy ra, với 1 CTCK chưa thực sự mạnh, giá cổ phiếu sẽ giảm về 0, cổ đông sẽ mất toàn bộ tài sản của mình. Hợp nhất công ty chứng khoán chính là để sau hợp nhất công ty mới sẽ mạnh lên.
Với khoản lỗ lũy kế khổng lồ (198 tỷ đồng), việc hợp nhất là cần thiết để công ty hoạt động theo số vốn thực sự còn lại, chứ không phải là số vốn ảo trên sổ sách, đại diện này nhấn mạnh.
Chọn một công ty chứng khoán để hợp nhất là không hề dễ dàng. Việc hợp nhất với 1 công ty chứng khoán thực ra đã được đưa ra từ ĐHCĐ thường niên 2014. Tuy nhiên sau 1 năm tiến hành, thương vụ vẫn chưa được tiến hành.
Bằng chứng cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, mới chỉ có 2 thương vụ hợp nhất CTCK thành công là MBS và VITS, OSC và VISE.
Tại ĐHCĐ, đại diện Chứng khoán Hải Phòng đã hé lộ tên CTCK được lựa chọn để hợp nhất là CTCP Chứng khoán Á - Âu (AAS). Được biết, công ty hợp nhất sẽ lấy tên và thương hiệu của Haseco. ĐHCĐ đã thông qua phương án này.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Chứng khoán Hải Phòng cho biết hiện công ty chưa có đề án hợp nhất cụ thể. Trước khi tiến hành hợp nhất, công ty sẽ tiến hành ĐHCĐ để công bố thông tin và lấy ý kiến.
Tại sao lại là AAS?
Chứng khoán Á Âu là một công ty chứng khoán nhỏ, bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10 năm ngoái. Hiện tại AAS chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm công ty này lỗ ròng 3,5 tỷ đồng, lỗ lũy kế cuối quý 3 năm ngoái đạt 11,6 tỷ đồng trên 35 tỷ đồng vốn điều lệ.
Nhìn tình hình tài chính của AAS, ít thấy điểm sáng nào đáng kể. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề.
Tất nhiên, tìm một công ty chứng khoán thực sự lành mạnh về mặt tài chính sẽ tốt hơn, nhưng trả lời câu hỏi cổ đông tại đại hội, đại diện HPC cho biết bản thân một công ty chứng khoán tốt lại không có động lực để hợp nhất với HPC.
Xem xét lại thương vụ hợp nhất MBS và VITS năm 2013, có thể thấy mục đích xóa lỗ lũy kế phải đến từ 2 phía, là điều kiện cần cho việc hợp nhất.
Khi sáp nhập với VIT, hai bên sẽ đánh giá lại tài sản, vốn điều lệ của công ty mới sẽ là 621 tỷ, toàn bộ số lỗ lũy kế của 2 công ty sẽ “biến mất” trên bảng cân đối kế toán của công ty hợp nhất do việc đánh giá lại giá trị tài sản thuần của hai bên tham gia hợp nhất.
Hiện tại HPC vẫn chưa đưa ra lộ trình cụ thể cho việc hợp nhất với AAS. Đại diện HPC cho rằng, trong thời gian tới, việc hợp nhất các CTCK như trường hợp của công ty và AAS sẽ không phải là trường hợp cá biệt.
>> Xóa lỗ lũy kế: Át chủ bài trong phương án hợp nhất MBS và VITS
Đan Nguyên