Phép Thần dược 1+1=1 giúp Haseco xóa sạch lỗ lũy kế
Hồi đầu năm 2014, Haseco (công ty chứng khoán Hải Phòng) lần đầu tiên phát đi thông tin manh nha về kế hoạch hợp nhất 2 công ty chứng khoán. Nguồn cơn của kế hoạch này là do kết quả hoạt động kinh doanh năm 2012, 2013 của công ty đều có lãi nhưng khoản lỗ lũy kế lớn của những năm trước cao khiến công ty dù nỗ lực kinh doanh cũng không thoát khỏi diện cổ phiếu bị cảnh báo theo quy định của UBCKNN và sở giao dịch chứng khoán.
Thời điểm đó, trào lưu hợp nhất để “làm đẹp” báo cáo tài chính được nhà đầu tư ví như cây đũa thần cứu các doanh nghiệp làm mãi cũng không thoát khỏi vết đen cũ. Và, Haseco quyết định hợp nhất với Chứng khoán Á Âu để thoát cảnh lỗ lũy kế.
Cổ phiếu HPC của Chứng khoán Hải Phòng sau đó đã bị hủy niêm yết từ 17/11/2015 để hợp nhất. Sau khi hợp nhất, 2 công ty chứng khoán này đã thống nhất sẽ lấy tên của Haseco là CTCP Chứng khoán Hải Phòng. Vốn điều lệ công ty mới là 291,8 tỷ đồng.
Công ty hợp nhất sẽ mang tên của Haseco là CTCP Chứng khoán Hải Phòng. Vốn điều lệ công ty mới là 291,8 tỷ đồng. Tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu của cổ đông HPC và AAS sang cổ phiếu mới lần lượt là 1000 : 731 và 1000 : 39.
Tỷ lệ chuyển đổi khác nhau căn cứ vào mức độ “trầm trọng” trong tình hình tài chính (cụ thể là lỗ lũy kế) của hai bên. Cụ thể là Tài sản thuần/số lượng cổ phiếu lưu hành của mỗi công ty.
Với HPC, với vốn điều lệ trên 400 tỷ đồng, giá trị tổng tài sản cuối quý 2 năm 2015 của công ty chỉ còn 397 tỷ đồng – trong đó vốn chủ sở hữu còn 290 tỷ đồng. Tại ngày 30/6/2015, HPC lỗ lũy kế 212 tỷ đồng.
Với AAS, vốn điều lệ 35 tỷ đồng, tổng tài sản công ty còn lại 3,1 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 1,4 tỷ đồng.
Hợp nhất như cây đũa thần, như thần dược. Từ 2 công ty chứng khoán có tình hình tài chính khá bết bát, Công ty chứng khoán mới thành lập Haseco có vốn điều lệ 291,76 tỷ đồng và tại thời điểm kết thúc quý 2/2016, công ty có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 20 tỷ đồng. Haseco báo lãi 5,1 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2016 với doanh thu đạt gần 13 tỷ đồng trong đó nghiệp vụ môi giới và doanh thu từ hoạt động khác chiếm hơn một nửa.
Cổ phiếu HAC của Haseco có sống tốt?
Ngày 18/10 tới đây là ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu HAC của Chứng khoán Hải Phòng trên sàn UpCOM. Sau chưa đầy 1 năm vắng bóng, Chứng khoán Hải Phòng trở lại với thị trường chứng khoán với mã cổ phiếu HAC. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.400 đồng.
Trong bản công bố thông tin khi đăng ký giao dịch cổ phiếu, HAC nhận định trong những năm gần đây, sự cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán diễn ra rất gay gắt, nhiều công ty đã tiến hành giảm phí, thậm chí miễn phí giao dịch trong một thời gian dài để thu hút các nhà đầu tư. Haseco luôn thực hiện cạnh tranh trên cơ sở chất lượng sản phẩm và dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Hiện, số tài khoản tại công ty là khoảng 20.566 tài khoản. Haseco xác định rằng môi giới chứng khoán vẫn là nghiệp vụ chiếm tỷ trọng quan trọng trong tổng doanh thu toàn công ty do đó công ty đã bổ sung, hoàn thiện các quy trình, quy chế trong các hoạt động giao dịch, cơ cấu nhân sự, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng phục vụ; đưa vào triển khai và áp dụng các sản phẩm dịch vụ mới cung cấp cho khách hàng nhiều lựa chọn trong quá trình thực hiện giao dịch.
Còn về mảng tự doanh, công ty hiện đang thực hiện khá thận trọng đảm bảo nguyên tắc an toàn vốn và có hiệu quả. Nhân viên chịu trách nhiệm về công tác tự doanh sẽ áp dụng quy chế tính lương kinh doanh theo hiệu quả đầu tư để gắn kết trách nhiệm với thu nhập và khuyến khích đầu tư có lãi.
Nhìn chung, các hoạt động kinh doanh chính của Haseco không có gì khác biệt với các công ty chứng khoán khác, chỉ có điều, mỗi công ty chứng khoán có định hướng kinh doanh khác nhau mà thôi.
Vấn đề đặt ra là, đã từng kinh doanh bết bát, cổ phiếu HAC của Haseco có “sống tốt” hay không khi mà trên thị trường chứng khoán hiện có rất nhiều cổ phiếu chứng khoán giá “trà đá”?
Phương Chi