Phiên giao dịch hôm nay, thị trường chứng khoán chứng kiến phiên điều chỉnh giảm mạnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Việc nhóm cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh sau chu kỳ tăng nóng hiện vẫn chưa thể kết luận về xu hướng nhưng có một điều đáng chú ý đó là: Nhiều nhà đầu tư chốt lãi cổ phiếu tăng nóng đã dịch chuyển một phần tiền sang các cổ phiếu chưa tăng giai đoạn vừa qua đẩy giá nhiều cổ phiếu đang lặng sóng tăng mạnh mẽ.
Theo quan sát của chúng tôi, trong khi nhiều cổ phiếu ngành ngân hàng điều chỉnh giảm khá sâu, thậm chí có cổ phiếu giảm 8-10% phiên hôm nay thì cơ hội lại đến với nhiều cổ phiếu lâu nay lặng sóng.
Trên sàn HoSE, cổ phiếu GTN của GTNfoods và VLC của Vilico cũng tăng trần sau rất nhiều sóng tăng giá của thị trường chứng khoán không có mặt.
Cổ phiếu "họ" Vinamilk tăng giá mạnh
Dù kết quả kinh doanh vẫn đạt mức đáng mơ ước của bất kỳ doanh nghiệp nào nhưng nhóm cổ phiếu của "ông lớn" ngành sữa Vinamilk lại không tăng giá thời gian qua. Lý do lớn nhất có lẽ là dòng tiền lựa chọn những cổ phiếu nóng để tối ưu hóa lợi nhuận khiến những cổ phiếu mang tính chất tăng trưởng đều đặn như VNM không phải là lựa chọn hàng đầu cho danh mục.
Khi bắt đầu cảm thấy rủi ro ở những cổ phiếu đã tăng nóng, hoạt động chốt lãi xảy ra và dòng tiền chốt lãi lại ngay lập tức quay trở lại những cổ phiếu cơ bản tốt. Phiên giao dịch hôm nay chứng kiến rất nhiều cổ phiếu cơ bản tốt tăng giá trong đó có nhiều cổ phiếu "họ" Vinamilk. Cụ thể:
Cổ phiếu GTN của GTNfoods: Cổ phiếu GTN tăng kịch biên độ lên 17.800 đồng. Dư mua giá trần đạt hơn 475 nghìn đơn vị. Do cổ phiếu GTN đã giảm sâu ở chu kỳ trước nên khi tín hiệu tăng giá phát đi thì bên bán đã ngừng tay khiến bên mua dù cạnh tranh khốc liệt nhưng khối lượng khớp lệnh chỉ đạt hơn 860 nghìn cổ phiếu.
Quý 1/2021, GTN đạt 623 tỷ đồng doanh thu và 14,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với kết quả đạt được, GTN còn cách khá xa mục tiêu 3.073 tỷ đồng doanh thu và 244 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cả năm 2021 nhưng theo giải trình của GTN thì việc lợi nhuận sau thuế quý 1 đạt thấp là do công ty dùng lượng tiền mặt lớn của mình để tăng tỷ lệ sở hữu tại Mộc Châu Milk khiến nguồn thu nhập từ tài chính giảm.
Cổ phiếu VLC của Vilico gây bất ngờ cho giới đầu tư trong 2 phiên liên tiếp. Hôm qua, VLC đã có phiên tăng mạnh 8,3% giúp đảo chiều hoàn toàn xu hướng giảm giá dài ở giai đoạn trước. Phiên giao dịch hôm nay, VLC tiếp tục bứt phá khi tăng trần 15% lên 32.400 đồng. Thanh khoản đạt 88.300 cổ phiếu, cao nhất từ giữa tháng 3, cho thấy nhà đầu tư bắt đầu dành sự quan tâm trở lại dành cho cổ phiếu này.
Năm 2021, Vilico đặt kế hoạch lãi 113 tỷ đồng và sẽ trả cổ tức cho cổ đông tối đa 600 đồng/cổ phiếu.
Riêng cổ phiếu VNM của Vinamilk phiên hôm nay vẫn đang đi ngược đà tăng của cả nhóm. Việc VNM quay về "thăm" lại giá cũ 89.400 đồng đang khiến dòng tiền săn mua cổ phiếu VNM bật tăng mạnh. Khớp lệnh cổ phiếu VNM lên đến 3,7 triệu cổ phiếu. Nếu so với bình quân thanh khoản 10 phiên gần nhất thì phiên giao dịch hôm nay, VNM đã đạt hơn 112,4%.
Kinh doanh bò thịt – Cuộc chơi mới của Vilico và Vinamilk
Vilico hiện tại đã hoàn tất hợp đồng sáp nhập với Công ty cổ phần GTNfoods nhằm đơn giản hóa cấu trúc doanh nghiệp của Vinamilk và tăng cường tập trung vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Theo đó, 1,6 cổ phiếu GTN sẽ được hoán đổi thành cổ phiếu VLC.
Với quỹ đất rộng lớn, Vilico có kế hoạch đầu tư dự án nuôi bò thịt với tổng đầu tư 1.700 tỷ đồng, công suất khai thác 20.000 con/năm.
Công ty cũng hợp tác với Tập đoàn Sojitz lập liên doanh đầu tư và kinh doanh lĩnh vực bò thịt với vốn đầu tư ban đầu 2 triệu USD và dự kiến tăng lên theo quy mô phát triển. Vilico định hướng sản xuất thịt bò ở phân khúc trung, cao cấp, hoàn toàn cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Thời gian chuẩn bị đầu tư khoảng 6 tháng, ban lãnh đạo kỳ vọng đến cuối năm 2023 có sản phẩm. Doanh thu khoảng 2.000-2.500 tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn đầu.
SSI Research đánh giá nhu cầu tiêu thụ thịt bò đang gia tăng ở Việt Nam, chăn nuôi bò thịt có thể trở thành động lực tăng trưởng cho Vinamilk trong dài hạn.
Ánh Dương