Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC) tiền thân là nhà máy đắp vỏ xe của quân đội Mỹ. Doanh nghiệp được cổ phần hóa vào năm 2016 và trong đó Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) sở hữu 51% vốn điều lệ.
DRC chuyên sản xuất lốp và săm xe đạp, xe máy, ô tô và xe tải với vị thế dẫn đầu trong nhóm doanh nghiệp trong nước. Mảng đóng góp lớn nhất cho DRC là săm lốp xe ô tô (chủ yếu là xe tải và OTR) với khoảng 85% tổng doanh thu và lợi nhuận gộp; kế đến là săm lốp xe máy, xe đạp...
Sức ép còn lớn
Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành quyết định sơ bộ về hành vi chống bán phá giá lốp xe tải từ Thái Lan, là thông tin ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh của DRC.
Thái Lan được biết đến là quốc gia xuất khẩu lốp xe tải lớn nhất vào thị trường Mỹ (thị trường chính của DRC) chiếm 37% tổng lượng nhập khẩu năm 2022, tiếp theo là Việt Nam với mức đóng góp 10%.
Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ đã xác định mức thuế chống bán phá giá 2,35% đối với lốp xe tải từ Thái Lan. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức 47,81% được đề xuất trước đó nên khó có thể ngăn chặn lốp xe tải Thái Lan thâm nhập thị trường Mỹ.
Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) đánh giá, với việc ấn định mức thuế chống bán phá giá thấp như vậy, tác động tích cực đến DRC nhiều khả năng không cao như dự báo trước đây.
Sau khi ban hành quyết định sơ bộ, Bộ Thương mại Mỹ dự kiến sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày 29/7/2024. Sau đó, Ủy ban Thương mại Quốc Tế (ITC) sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào 12/9/2024 và phán quyết cuối cùng sẽ được ban hành vào ngày 19/9/2024.
Cần biết, thị trường Mỹ hiện chiếm 14% tổng doanh thu của DRC. Nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, điều này có thể không ảnh hưởng nhiều đến DRC, do lốp xe tải của DRC hiện không chịu bất kỳ thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp nào (AD/CVD).
SSI Research cho biết, trong trường hợp có bất kỳ kiến nghị nào về hành vi chống bán phá giá trong tương lai, việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường có thể giúp DRC giảm bớt khả năng bị áp dụng AD/CVD, vì DRC được phép sử dụng dữ liệu chi phí sản xuất của công ty thay vì sử dụng dữ liệu từ nước thứ ba làm cơ sở đánh giá.
Trong khi đó, lốp PCR có xuất xứ Việt Nam chịu thuế AD ở mức 22,27% và thuế CVD ở mức 6,46%. DRC đã tung ra thị trường lốp PCR vào quý II/2023, nhưng thị trường xuất khẩu chính là Brazil chứ không phải Mỹ.
"Nếu DRC giới thiệu lốp loại PCR vào thị trường Mỹ trong tương lai và nếu Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường thì có thể giúp DRC né được thuế AD/CVD nếu có trong tương lai", các chuyên gia của SSI cho hay.
Hiện, SSI Research dự báo lợi nhuận sau thuế của DRC sẽ lần lượt đạt 286 tỷ đồng và 344 tỷ đồng trong năm 2024 - 2025, tương ứng tăng trưởng 15% và 20% so với cùng kỳ. Với mức lợi nhuận sau thuế dự kiến như vậy, công ty chứng khoán này có khuyến nghị trung lập cho DRC, với giá mục tiêu 1 năm là 34.100 đồng/cp, ngang ngửa giá thị trường thời điểm hiện tại.
Động lực phía trước
Kết thúc quý đầu năm 2024, DRC ghi nhận kết quả kinh doanh với doanh thu thuần đạt 973 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 49 tỷ đồng, tăng mạnh 94% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, doanh thu xuất khẩu đạt 26,7 triệu USD, giảm 18% so với cùng kỳ và đóng góp 68% vào tỷ trọng tổng doanh thu của DRC. Tổng sản lượng tiêu thụ lốp Radial và Bias trong quý I/2024 lần lượt đạt mức 152.978 lốp, giảm 24% và 90.477 lốp, giảm 23% so với cùng kỳ. Lốp PCR tiếp tục ghi nhận sản lượng tăng trưởng ấn tượng, đạt 84.017 lốp, cùng kỳ chỉ đạt 763 lốp.
Thời gian tới, mặc dù khả năng cao Bộ Thương mại Mỹ chỉ xác định mức thuế chống bán phá giá 2,35% đối với lốp xe tải từ Thái Lan, tuy nhiên ở góc độ tích cực đó vẫn là yếu tố lạc quan cho các nhà sản xuất tại Việt Nam như DRC.
"Ban lãnh đạo DRC khá tự tin rằng quyết định áp thuế chống bán phá giá sẽ được thông qua và khi đó, DRC sẽ được hưởng lợi do Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 (sau Brazil) của công ty. Ngoài ra, do các đơn hàng từ nhập khẩu từ Thái Lan sẽ mất khoảng 45 ngày hoặc hơn (tùy vào tình hình logistics), các đại lý sẽ hạ dần các đơn hàng trước khi quyết định áp thuế chống bán phá giá chính thức được áp dụng", Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dẫn lời lãnh đạo DRC.
Bên cạnh đó, BVSC cũng cho rằng, dự án nhà máy TBR giai đoạn 3, với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng, hoàn thành vào quý IV/2024 kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng cho DRC trong giai đoạn tiếp theo, khi xu hướng Radial hóa tiếp tục diễn ra mạnh mẽ; và công ty được hưởng lợi rất lớn ở thị trường Mỹ nếu như quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với lốp TBR của Thái Lan được thông qua trong năm 2024.
Ngoài ra, hướng đi mới là lốp PCR mở ra cơ hội tăng trưởng kết quả kinh doanh rất lớn cho DRC trong các năm tiếp theo. DRC đã chuyển đổi một phần công suất dây chuyền sản xuất lốp Bias sang sản xuất lốp PCR để phù hợp với xu hướng Radial hóa trên toàn thế giới, cũng như dung lượng thị trường lốp PCR lớn hơn rất nhiều so với lốp TBR và Bias.
Theo Ánh Dương
Báo Công thương