VN-Index và
HNX-Index đang ở mức thấp. Thị giá cổ phiếu bị “rớt” thảm hại. Nhiều nhà đầu tư
từ bấy lâu nay có thói quen nhìn vào hoạt động của doanh nghiệp qua lăng kính
thị giá nay đã lung lay.
Giá trị thực doanh nghiệp bị “méo” qua lăng kính TTCK
Gỗ Tân Mai (TMW)
vừa trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 20%. Hoạt động kinh doanh của Gỗ Tân Mai có đột
biến? Năm 2010, TMW cũng có kết quả kinh doanh khá khả quan với EPS đạt 8.730 đồng/CP
và công ty cũng chốt quyền trả cổ tức năm 2010 tỷ lệ 20%. Tuy chưa có kết quả
kinh doanh 9 tháng năm 2011 nhưng đợt ứng cổ tức này của TMW là của năm 2011.
Như vậy, nhìn chung, hoạt động kinh doanh của TMW không nhiều biến động giảm.
Tuy nhiên, thị giá cổ phiếu TMW đã giảm từ hơn 10.000 đồng/CP còn 4.500 đồng.
Thị giá rơi thảm khiến tỷ suất cổ tức chi trả đợt này của TMW đạt mức 44,44%/năm -
cao hơn nhiều so với lãi tiền gửi ngân hàng hiện hành.
Gỗ Tân Mai là một
minh chứng nhỏ trong vô số trường hợp giá trị doanh nghiệp đang bị ‘méo’ qua
lăng kính thị giá của TTCK.
Càng sát ngày chốt
quyền nhận cổ tức, câu chuyện tỷ suất cổ tức (tỷ lệ cổ tức/thị giá cổ phiếu)
càng được nhà đầu tư mang ra ‘mổ xẻ’. Ngày ra tin chốt quyền trả cổ tức, thị
giá của PXI là 6.200 đồng/CP. Với mức thị giá này, tỷ suất cổ tức tạm tính của
PXI cũng đạt gần 16%. Ngay
sau thông tin đó, cổ phiếu PXI đã có 2 phiên tăng trần và một phiên xanh nâng
thị giá lên 6.900 đồng và chốt phiên hôm qua, ngày 21/11/2011, PXI điều chỉnh về 6.800 đồng/CP..
P/B<1 quá xa, giá trị doanh nghiệp có đang bị ''bán rẻ, mua rẻ''?
Theo thống kê sơ bộ, trên HoSE có khoảng 230 doanh nghiệp và trên HNX có khoảng hơn 340 doanh nghiệp có hệ số P/B<1. Nói một cách dễ hiểu, thị giá đang ''định giá'' doanh nghiệp thấp hơn nhiều so với giá trị thực của họ.
Tất nhiên, chỉ số này chỉ mang ý nghĩa tương đối cho ta thấy tương quan thị giá và giá trị sổ sách của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi hơn 3/4 mã cổ phiếu trên 2 sàn có P/B<1 thì câu chuyện giá đang bị ''méo'' qua lăng kính thị giá khiến không chỉ nhiều doanh nghiệp khá bức xúc mà cổ đông cũng hoang mang.
Trong số gần 700 doanh nghiệp niêm yết, có chưa đến 40 doanh nghiệp có Giá trị sổ sách (Book Value) <10.000 đồng, nhưng có đến hơn 400 doanh nghiệp có giá thấp hơn mệnh giá.
Nhiều doanh nghiệp đi tìm “tấm gương thực”
Nhìn lại hiện tượng
hủy niêm yết khiến thị trường chứng khoán ‘lăn tăn’ thời gian qua có thể thấy lý
do doanh nghiệp muốn bỏ thị trường có nhiều và lý do chính thức được đưa ra
thường là tái cấu trúc doanh nghiệp. Bên cạnh những doanh nghiệp bị hủy niêm
yết bắt buộc như DVD, FPC, VTA, TRI, DCC, nhiều công ty xin hủy niêm yết bới
nhiều lý do khác nhau. SQC, SGT cho biết công ty hủy niêm yết bởi không huy động
được vốn qua TTCK và giá cổ phiếu xuống thấp ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh
của công ty. V11 muốn hủy niêm yết để tái cấu trúc và củng cố lại doanh nghiệp. S27, MKP, IFS cũng đã có chủ trương hủy niêm yết cổ phiếu.
Hoạt động của
Doanh nghiệp có vấn đề? Nếu so với cái khó của nền kinh tế nói chung những
năm trước, cái khó của doanh nghiệp năm nay không quá lớn. Bằng chứng là nhiều
doanh nghiệp dù chật vật nhưng vẫn làm ăn có lãi.
Hiện nay, VNIndex và
HNX-Index đang xuống thấp. Hơn 50% số cổ phiếu niêm yết có thị giá rơi xuống dưới mệnh giá và thấp hơn nhiều
so với giá trị ghi sổ của doanh nghiệp. Điều này cho thấy giá trị doanh nghiệp
đang bị mua đi, bán lại với giá bèo và có lẽ, đây cũng là một nguyên nhân khiến
nhiều doanh nghiệp đi đến quyết định ‘rời’ thị trường niêm yết.
CMX-ngay sau câu
chuyện SCIC thoái vốn- cổ đông lớn mua lại phần vốn này đã lên kế hoạch rút
niêm yết. Một trong những lý do được
doanh nghiệp này đưa ra là một số quy định của công ty đại chúng khiến việc ra
quyết định lớn bị chậm trễ nên công ty muốn rút niêm yết để tái cấu trúc toàn
diện.
Tuy thương vụ mua vốn này chưa được công bố giá chuyển nhượng nhưng với
chủ trương ban đầu của SCIC, các cổ đông mua lại vốn đã mua với giá cao hơn thị
giá nhiều. Giá trị ghi sổ của CMX hiện cũng hơn 13.000 đồng nhưng thị giá cao
nhất cổ phiếu CMX 6 tháng qua chưa đạt 9.000 đồng/CP. Cổ đông lớn mua lại cổ phần
giá cao hơn thị giá, lên chủ trương rút niêm yết để tái cấu trúc và quyết định
mau lẹ hơn là con đường dẫn CMX đi để tìm lại giá trị thực.
Mặc dù đã lên kế
hoạch niêm yết khá chi tiết nhưng chưa đầy 2 tuần sau thông báo để lưu ký và
niêm yết trên HoSe, FPTS đã hủy ngày chốt theo đề nghị của nhiều cổ đông và
nhóm cổ đông nắm giữ tỷ lệ sở hữu vốn lớn tại FPTS về việc tình hình TTCK thời
điểm hiện tại chưa phù hợp để niêm yết cổ phiếu FPTS. Có lẽ, cổ đông lớn lo ngại
khi phần đa công ty chứng khoán niêm yết đang có giá dưới mệnh giá.
Hải An