VietinBank - Chi nhánh Bắc Sài Gòn - vừa thông báo bán đấu giá lần thứ 4 khoản nợ của CTCP Xây dựng Công nghiệp (Descon) để xử lý thu hồi nợ vay. Tính đến ngày 13/9/2023, tổng dư nợ tại doanh nghiệp này là hơn 560 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ gốc hơn 327 tỷ đồng, lãi cộng dồn và lãi quá hạn cộng dồn gần 234 tỷ đồng.
Toàn bộ dư nợ của Descon tại VietinBank được bảo đảm bằng 18 hợp đồng bảo đảm được ký trong giai đoạn 2015 – 2018, chủ yếu là quyền đòi nợ hình thành từ hợp đồng thi công công trình được ký giữa Descon và các doanh nghiệp.
Ngoài ra, tài sản bảo đảm còn có quyền tài sản phát sinh từ dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Descon tại Phường 10, TP Đà Lạt; quyền tài sản từ phát sinh từ Hợp đồng khung về chuyển nhượng Dự án Preches ngày 20/9/2015 với CTCP Đầu tư Thảo Điền; 20 quyền sử dụng đất tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Giá khởi điểm toàn bộ khoản nợ là 265 tỷ đồng, giảm 62 tỷ đồng so với lần rao bán gần nhất (tháng 7/2023).
Chủ nợ bế tắc
VietinBank đã khởi kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng đối với Descon. Tòa án nhân dân TP HCM đã có bản án phúc thẩm ngày 18/5/2022, tuyên buộc Descon phải thanh toán toàn bộ gốc, lãi, lãi phạt quá hạn cho VietinBank.
Trước đó, năm 2018, một đối tác khác là Siam City Cement Ltd đã đệ đơn lên Toà án yêu cầu mở thủ tục phá sản với Descon. Cũng trong giai đoạn này, một công ty niêm yết là Searefico (SRF) cho biết có hợp đồng thi công cùng Descon với tư cách là Nhà thầu phụ tại các dự án mà Descon đang thực hiện với vai trò Nhà thầu chính, do đó Searefico cũng đã gửi thông báo các khoản nợ của Descon tới TAND Tp.HCM để thu hồi nợ, giảm thiểu thiệt hại.
Đối với Searefico, Descon có khoản phải trả ngắn hạn 23,6 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2017. Những năm sau đó thông tin liên quan đến việc đòi nợ Descon không được Searefico công bố thêm.
Đến ĐHĐCĐ năm 2023 mới đây, khi cổ đông có đặt vấn đề liên quan đến phần dự phòng nợ đối với Descon là 84 tỷ đồng, Chủ tịch HĐQT Lê Tấn Phước cho biết: “Từ 2 năm qua, Công ty đã tích cực thu hồi khoản nợ này, chủ đầu tư đã có cam kết để trả nợ. Tuy nhiên trải qua thời gian khá dài, chủ đầu tư không thực hiện, nên Công ty đã kiện ra tòa để thu hồi nợ. Công ty đang cân nhắc các hướng đi để đòi nợ thành công vì Descon vẫn còn nợ với nhiều bên”.
Tính tới cuối năm 2019, Descon vẫn đang nợ các nhà thầu, các nhà cung cấp số tiền 740 tỷ đồng. Ngoài ra, Descon có 709 tỷ đồng nợ đi vay từ các ngân hàng và các cá nhân và các tổ chức có liên quan.
Trong đó, khoản vay đối với Vietinbank là lớn nhất.
Cuộc thâu tóm tại Descon
Được biết, Descon là doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực xây dựng. Công ty lên niêm yết vào cuối năm 2007 và từng khá "nổi tiếng" khi trở thành mục tiêu thâu tóm của nhóm cổ đông liên quan đến ông Trịnh Thanh Huy và CTCP Bất động sản Bình Thiên An (công ty do ông Huy và NĐT ngoại Kusto thành lập).
Sức hấp dẫn của Descon lúc bấy giờ không chỉ dừng lại ở thương hiệu, mà còn một loạt công trình và dự án Công ty đang triển khai.
Ông Trịnh Thanh Huy tốt nghiệp ngành cơ khí ở Học viện Kỹ thuật Quân sự (Nga). Khởi sự kinh doanh, ông Trịnh Thanh Huy cùng ông Nguyễn Đăng Quang và ông Hồ Hùng Anh sáng lập Tập đoàn Masan. Bản thân ông Huy từng giữ vị trí Phó chủ tịch Masan từ 1997 đến 2002.
Về Việt Nam, ông Huy tập trung vào hướng đầu tư trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản với hàng loạt các thương hiệu. Trong đó, ông Huy cùng với nhóm Kusto đã tham gia thành lập công ty Bình Thiên An - chủ đầu tư dự án Đảo Kim Cương tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhóm cổ đông mới thâu tóm Descon với kỳ vọng nâng cao năng lực, cách mạng hệ thống tài chính. Song kỳ ĐHĐCĐ đầu tiên lại xảy ra tranh cãi đầy căng thẳng liên quan đến việc "chuyển giao quyền lực" giữa hai nhóm lãnh đạo mới cũ.
Kết quả là, trung tuần tháng 12/2010, ĐHCĐ bất thường của Descon đánh dấu sự ra đi của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Xuân Bảng sau 20 năm gắn bó. Sau đó, nhóm cổ đông lớn Bình Thiên An đã giành quyền lãnh đạo khi sở hữu chính danh chỉ 21,6% số cổ phần, thậm chí công tác "chuyển giao quyền lực" diễn ra khá chóng vánh chưa đầy 6 tháng.
Đến tháng 10/2011, cổ phiếu DCC bị hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm nghiêm trọng quy định về công bố thông tin, cũng kể từ đó thông tin về Descon gần như bặt tăm trên thị trường. Lúc bấy giờ, cũng đã ý kiến rằng Descon có thể không công bố thông tin đúng quy định để "được" hủy niêm yết bắt buộc nhằm rút lui khỏi thị trường để tái cấu trúc.
Sóng gió chưa dừng lại, năm 2012 Ban kiểm soát Descon và một nhóm cổ đông bất ngờ có đơn thư kêu cứu cơ quan quản lý và cáo buộc các sai phạm tại Công ty. Thời điểm này, tình hình kinh doanh của Descon cũng đi vào chuỗi ngày trầy trật.
Câu chuyện của Descon được nhắc đi nhắc lại nhiều trên thị trường chứng khoán, như một bài học đắt giá cho các nhà thầu trong cuộc chơi M&A với đối tác ngoại.
Kế hoạch trở lại sàn chứng khoán
Đến năm 2020, doanh nghiệp này bất ngờ công bố kế hoạch đưa cổ phiếu trở lại sàn chứng khoán. Gần cuối năm này, Descon cũng đã "thay máu" nhiều lãnh đạo chủ chốt.
Đáng chú ý, danh sách các ứng viên HĐQT bao gồm doanh nhân Trịnh Thanh Huy cùng các thành viên: ông Châu Anh Tuấn (hiện đang là Chủ tịch HĐQT), bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, ông Trần Thanh Hải và ông Nguyễn Quang Minh (hiện là Tổng Giám đốc).
Descon cũng lần đầu công bố tình hình kinh doanh giai đoạn 2018 - 2019 với lỗ lớn. Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản Descon giảm về mức 1.639 tỷ đồng, nợ phải trả suýt soát với 1.569 tỷ. Trong đó, dư nợ vay Descon hiện vào mức 709 tỷ đồng – gấp hơn 10 lần vốn chủ. Công ty đang lỗ luỹ kế 380,5 tỷ đồng.
Lên kế hoạch cho năm 2020, Descon đề ra kế hoạch tổng doanh thu giảm 72% còn 15 tỷ đồng và lỗ tiếp 60 tỷ đồng. Dù liên tục thua lỗ, tại Đại hội 2020 Công ty dự kiến trình phương án niêm yết cổ phiếu trở lại.
Dù vậy, hiện Website Công ty đã không truy cập được.
Tri Túc
Nhịp sống thị trường