Mới đây, CTCP Kỹ Nghệ Lạnh (Searefico- SRF) đã công bố thông tin Tòa án nhân dân Tp.HCM có quyết định mở thủ tục phá sản đối với CTCP Xây dựng Công Nghiệp (Descon) theo đơn kiện của một nhà cung cấp là Siam City Cement Ltd. Đây là thông tin hết sức bất ngờ với nhiều người, bởi lẽ Descon là doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực xây dựng với loạt các dự án và công trình đình đám không chỉ tại Tp. Hồ Chí Minh mà còn khắp cả nước. Công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán vào năm 2007.
Ngoài ra, việc Descon có nguy cơ phá sản còn bất ngờ hơn nữa bởi hoạt động của công ty các năm vừa qua không đến nỗi nào, riêng năm 2017 đạt lợi nhuận gộp hơn 111 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 24,6 tỷ đồng (vượt 600 triệu so với kế hoạch). Thậm chí tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức vào tháng 7/2018, công ty vẫn còn những kế hoạch tham vọng như phát hành 12,46 triệu cổ phiếu thưởng, chào bán 48 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, đồng thời niêm yết cổ phiếu trở lại trên HoSE sau khi bị hủy niêm yết hồi năm 2011.
Tại thời điểm cuối năm 2017, Descon có gần 1.500 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 880 tỷ nợ dài hạn. Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy tại thời điểm trên, Descon vay ngắn hạn 525 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng và 200 tỷ đồng trái phiếu dài hạn.
Cụ thể, các khoản vay ngắn hạn ghi nhận tại thời điểm cuối năm 2017 của công ty là vay từ 6 ngân hàng, trong đó chủ nợ lớn nhất là VietinBank. Theo đó, công ty có khoản vay gần 5 tỷ đồng từ BIDV; hơn 301 tỷ đồng từ VietinBank; hơn 2,5 tỷ từ Ngân hàng Quân đội; hơn 37,8 tỷ từ ngân hàng Indovina; gần 5,6 tỷ đồng vay của OCB và hơn 5,4 tỷ đồng vay của NCB.
Đáng lưu ý trong các khoản vay nói trên thì khoản vay của BIDV là đã giảm mạnh từ 182 tỷ đồng hồi đầu năm về dưới 5 tỷ; của MB cũng giảm gần một nửa. Tuy nhiên các khoản vay từ VietinBank và Indovina đều tăng mạnh. Riêng 2 khoản vay tổng cộng 10 tỷ đồng từ OCB và NCB là phát sinh mới.
Các khoản nợ ngắn hạn của Descon tại thời điểm 2017 được ghi nhận trong BCTC (nguồn: BCTC 2017 đã kiểm toán)
Descon cho biết, khoản vay hơn 300 tỷ của VietinBank là tại chi nhánh Bắc Sài Gòn, để công ty bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh xây lắp giai đoạn 2016 - 2017 với lãi suất có điều chỉnh. Thời hạn vay không quá 06 tháng. Khoản vay này được đảm bảo bằng việc thế chấp quyền đòi nợ hình thành từ hợp đồng thi công xây dựng đối với các công trình vay vốn tại Ngân hàng.
Còn khoản vay từ Indovina là để tài trợ vốn lưu động bao gồm cả các giao dịch nhập khẩu và phát hành bảo lãnh Ngân hàng với lãi suất có điều chỉnh 3 tháng một lần, thời hạn vay không quá 06 tháng kể từ ngày giải ngân mỗi khoản.
Khoản vay gần 5,6 tỷ ngân hàng OCB là tại Chi nhánh Thành Phố Hồ Chí Minh, để bổ sung vốn lưu động kinh doanh hoạt động xây dựng, lắp đặt và sửa chữa các công trình công nghiệp, dân dụng. Thời hạn vay 12 tháng, lãi suất theo từng lần giải ngân. Khoản vay này được đảm bảo bằng việc thế chấp bất động sản tọa lạc tại thửa đất số 24, tờ bản đồ số 81 (BĐĐC), địa chỉ 18 Đồng Xoài, phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM của ông Nguyễn Công Thanh Tùng và các tài sản đảm bảo bổ sung theo quy định của OCB.
Về nợ dài hạn, Descon chỉ còn vay của công ty TNHH Đầu tư HB 180 tỷ đồng nhằm bổ sung vốn dài hạn với thời hạn là 11 tháng và lãi suất 9%/năm. Hai ngân hàng là Indovina chi nhánh Đà Nẵng và MB chi nhánh Đông Sài Gòn năm vừa qua đã tất toán hết các khoản vay dài hạn với Descon tổng cộng hơn 51 tỷ.
Các khoản vay dài hạn và trái phiếu của Descon ghi nhận vào cuối năm 2017 (nguồn: BCTC đã kiểm toán)
Tuy nhiên, trong khi dứt được các khoản vay dài hạn thì Indovina lại "vướng" vào Descon ở khoản trái phiếu trị giá 200 tỷ đồng. Theo Descon, công ty phát hành trái phiếu năm 2017 và Ngân hàng TNHH Indovina mua tất cả số lượng trái phiếu đó với lãi suất thả nổi, 6 tháng điều chỉnh một lần. Kỳ hạn trái phiếu là 10 năm và Descon có quyền mua lại toàn bộ hoặc một phần lượng trái phiếu phát hành này sau 12 tháng kể từ ngày phát hành.
Nếu Descon phá sản sẽ gây khó khăn cho các chủ nợ trong việc thu hồi vốn, khi mà theo luật phá sản thì quyền lợi của họ xếp thứ 4 trong thứ tự phân chia tài sản.
Cụ thể, Điều 54 Luật Phá sản 2014 về thứ tự phân chia tài sản, trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:
- Chi phí phá sản;
- Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
- Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
- Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi đã thanh toán đủ các khoản trên mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về: Thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên; chủ doanh nghiệp tư nhân; chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cổ đông của công ty cổ phần; thành viên của Công ty hợp danh.
Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán các khoản nêu trên thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.
Tùng Lâm