Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông năm 2011, diễn ra vào ngày 15-1-2003,
TrustBank đã chính thức thông qua việc Tập đoàn Thiên Thanh là đối tác
chiến lược, cùng tham gia tái cơ cấu ngân hàng này.
Theo thông cáo báo chí từ TrustBank, trên 200 cổ đông nắm trên 80% cổ
phần của ngân hàng có mặt tại cuộc họp đã thông qua đề án tái cấu trúc,
trong đó các tiến trình sẽ cùng thực hiện với sự có mặt của Thiên Thanh.
Cũng theo TrustBank, điểm cốt yếu trong đề án tái cấu trúc là tập trung
sử dụng nguồn lực từ các tập đoàn, tổ chức, cá thể kinh tế tư nhân
trong nước, chủ động giải quyết ổn thỏa các vấn đề nội tại.
Đồng thời, về định hướng phát triển, trong ngắn hạn, TrustBank giữ vững
và bình ổn hoạt động ngân hàng với các sản phẩm dịch vụ truyền thống
như tiếp tục phát huy vai trò ngân hàng “tam nông” tại khu vực trọng
điểm đồng bằng sông Cửu Long, dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại các trung tâm
kinh tế và bước đầu triển khai nhóm sản phẩm, các dịch vụ phục vụ ngành
vật liệu xây dựng, nhà ở bình dân.
Trong dài hạn, TrustBank cho rằng với sự song hành của Tập đoàn Thiên
Thanh - đối tác chiến lược, TrustBank cho biết sẽ có những định hướng
phát triển mới, từng bước chuyển dịch cơ cấu, để tiến tới mục tiêu
chuyên biệt hóa dịch vụ ngân hàng mang tính chất đặc thù.
Tuy vậy, Trustbank từ chối công bố tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Trustbank,
vì hiện tại đề án tái cơ cấu này đang được trình Ngân hàng Nhà nước.
Theo một nguồn tin riêng của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online,
các cổ đông mới, bao gồm cả Thiên Thanh sẽ nắm cổ phần chi phối, do đó
các hoạt động của Trustbank sẽ có một số thay đổi như nhận diện thương
hiệu, quản trị điều hành… Tuy vậy, về chi nhánh và nhân sư có thể sẽ
không có nhiều thay đổi.
Cũng theo nguồn tin trên, từ năm 2011 đến nay, TrustBank rơi vào khó
khăn, một phần do kinh tế vĩ mô biến động bất lợi, lạm phát cao, chính
sách tài khóa và tiền tệ bị thắt chặt, thị trường bất động sản đóng
băng.
Một phần nữa là do TrustBank dành một lượng vốn lớn cho vay bất động
sản. Ðến cuối tháng 2-2012, tổng dư nợ cho vay, đầu tư của TrustBank vào
trái phiếu và cổ phiếu của các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động bất
động sản chiếm đến 53% tổng tài sản của TrustBank, nên khi thị trường
bất động sản gặp khó, tỷ lệ nợ xấu của Trustbank cũng tăng theo. Ngoài
ra, những yếu kém trong quản trị rủi ro, kiểm toán nội bộ… đã khiến ngân
hàng gặp khó. Hiện tại TrustBank nằm trong nhóm 9 ngân hàng yếu bắt
buộc phải tái cơ cấu theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Vì vậy, TrustBank kỳ vọng khi cổ đông chiến lược vào sẽ khắc phục tình
hình thanh khoản yếu; xử lý chất lượng tài sản đang suy giảm; khắc phục
vấn đề dự phòng rủi ro tín dụng tăng cao, thanh khoản kém của tài sản
bảo đảm; nâng cao năng lực điều hành; xây dựng các nguyên tắc cơ bản của
quản trị ngân hàng và quản lý rủi ro, để đưa Trustbank về hoạt động
bình thường trong 6 tháng đầu năm 2013.
Trustbank (Ngân hàng Đại Tín) được thành lập vào năm 1989, là ngân hàng
nông thôn Rạch Kiến, trụ sở chính tại Long An. Từ 2007, Đại Tín trở
thành ngân hàng đô thị. Tính đến cuối năm 2011, tổng tài sản của
TrustBank đạt 28.000 tỉ đồng. Vốn điều lệ đạt 5.000 tỉ đồng, tăng gấp
gần 15 lần so với ngày đầu thành lập. Lợi nhuận trước thuế của TrustBank
đến cuối năm 2011 đạt 550 tỉ đồng.
Tập đoàn Thiên Thanh có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, hoạt động trong các
lĩnh vực như bất động sản, vật liệu xây dựng, thương mại, ô tô.
Theo Thanh Thương
TBKTSG