Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank) vừa
thông báo sẽ tiến hành ĐHCĐ năm 2012 vào ngày 15/1 tới, với nội dung chính là về
hoạt động tái cấu trúc ngân hàng. TrustBank là 1 trong 4 ngân hàng thuộc nhóm 9
ngân hàng yếu kém vẫn chưa thực hiện tái cấu trúc dù đã có phương án và được
NHNN đồng ý từ tháng 9 năm ngoái.
Trong thông báo phát đi, TrustBank cho biết sẽ tổ chức
ĐHCĐ lần này tại Hội trường của công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh ở Tp. Hồ Chí
Minh. Người ta không thể không đặt câu hỏi, vì sao TrustBank lại không tổ chức
Đại hội tại trụ sở của ngân hàng (tại Long An), mà lại tổ chức tại trụ sở của Tập
đoàn Thiên Thanh? Phải chăng, TrustBank đã lựa chọn Thiên Thanh là “đối tác chiến lược có tiềm lực tài chính và
năng lực quản trị” như ngân hàng này đã từng nhắc tới?
Giả định này không phải là không có cơ sở. Bởi lẽ,
thứ nhất, Thiên Thanh đáp ứng được tiêu chuẩn mà TrustBank lựa chọn là đối tác
để cùng tham gia tái cấu trúc, đó là doanh
nghiệp trong nước. Cách đây không lâu, nhà băng này đã tuyên bố sẽ dựa vào
nguồn lực trong nước chứ không dựa vào Ngân hàng Nhà nước hay tổ chức nước
ngoài.
Thứ hai, Thiên Thanh đáp ứng được về tiềm lực tài chính và năng lực quản trị.
Thiên thanh là tập đoàn được hình
thành, phát triển tại Tp.HCM và mở rộng mạng lưới trên toàn quốc từ năm 2000
(tiền thân là Hãng Gạch bông Hương Sơn được thành lập từ năm 1964 và hoạt động
tại Quảng Ngãi). Đến nay, ngoài Trụ sở chính và các đơn vị tại TP.HCM, Tập đoàn
đã có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc tại các tỉnh thành phố như Hà Nội, Đà
Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Dương,... với nhiều dự án quy mô lớn, tầm cỡ
quốc gia. Các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn: Kinh doanh Vật liệu xây dựng –Trang
thiết bị nội thất, Ô tô, Bất động sản - Dự án, Du
lịch - Nhà hàng - Khách sạn và đặc biệt là có cả hoạt động tư vấn đầu tư tài chính.
Nghi vấn
TrustBank sẽ chọn Thiên Thanh làm đối tác để tái cơ cấu lại càng có cơ sở hơn,
và có thể được xem là câu trả lời chỉ còn chờ 2 bên công bố chính thức vào ngày
15/1, khi trên website chính của tập đoàn Thiên Thanh hiện nay đã “phủ kín” các
thông tin liên quan đến hoạt động tái cơ cấu của TrustBank.
Trên website của Thiên Thanh phủ đầy thông tin về hoạt động tái cơ cấu của TrustBank
Nếu TrustBank chọn Thiên Thanh là sự thật, thì câu hỏi tiếp theo là phương án tái cơ cấu sẽ được thực hiện như thế nào? Câu trả lời khả thi nhất có lẽ là TrustBank sẽ bán cổ phần cho Thiên Thanh, giống như kịch bản giữa Ngân hàng Tiên Phong và tập đoàn DOJI (TienPhongBank đã bán 20% cổ phần cho DOJI, người của DOJI nắm giữ các chức vụ quan trọng tại TienPhongBank, bao gồm ông Đỗ Minh Phú làm chủ tịch và em trai ông Phú là phó chủ tịch). Việc bán bao nhiêu phần trăm cổ phần thì sẽ phải chờ câu trả lời vào ngày 15/1/2013.
Về phía TrustBank, năm 2012 đã kết thúc nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thông tin nào về hoạt động của ngân hàng năm qua. Theo số liệu mới nhất (báo cáo tài chính năm 2011), tổng doanh thu năm ngoái đạt 3.606 tỷ
đồng, chi phí hoạt động là 3.129,6 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 164 tỷ đồng. Tổng tài sản của
TrustBank tại thời điểm cuối 2011 đạt 27.129,5 tỷ đồng, vốn điều lệ của ngân
hàng là 3.000 tỷ đồng.
Các tài liệu
hiện nay không cho biết cổ đông lớn của TrustBank nắm giữ tỷ lệ bao nhiêu. Song
các nguồn tin chính thức cho biết, hiện ngân hàng có 535 cổ đông, trong đó có 6
cổ đông pháp nhân bao gồm: 3 cổ đông thuộc khối Văn phòng Nhà nước; Ngân hàng
NN&PTNT (Agribank); Công ty Lương thực Long An và công ty CP Đầu tư Phát
triển Phú Mỹ.
Nếu như TrustBank bán cổ phần cho Thiên Thanh theo phương thức mà TienPhongBank đã thực hiện, rất có thể TrustBank sẽ đạt được mục tiêu ổn định hoạt động ngay trong quý 1 và quý 2/2013, như TienPhongBank đã làm được sau khi có sự bắt tay vào tái cơ cấu của DOJI.
Trong số 9 ngân hàng thương mại yếu kém phải tái cơ cấu thì đã có 3 ngân hàng thực hiện hợp nhất (SCB - Tín Nghĩa - Đệ Nhất); 1 ngân hàng hợp nhất (Habubank hợp nhất với SHB); 1 ngân hàng tự tái cơ cấu (TienPhongBank) và hiện tại là TrustBank sắp tái cơ cấu.
Ngân hàng Navibank cho biết cũng đã được chấp thuận tự tái cơ cấu. Hồi cuối tháng 10, đại diện NHNN chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho biết NHNN đã chấp thuận cho HDBank và DaiABank hợp nhất. Đến nay chỉ còn GP.Bank là chưa có phương án nào được công khai hay hé lộ về phương án tái cơ cấu.
Tại Hội nghị tổng kết ngành ngân hàng năm 2012 vừa tổ chức tuần trước, NHNN cũng cho biết đến nay chỉ còn 1 ngân hàng nữa chưa có phương án tái cơ cấu.
Trước đó, tại kỳ họp thứ Tư Quốc hội khóa XIII, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, trong số các NHTM yếu kém phải cơ cấu lại ngay, theo sổ sách thì đều có lãi, nhưng sau khi tiến hành thanh tra, đánh giá lại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của NHNN thì nhiều ngân hàng lỗ, thậm chí có ngân hàng còn mất cả vốn điều lệ. |
Nguyễn Hằng