Ngày 11/7 vừa qua, Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI - HOSE: BCI) đã quyết định thông qua việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án tương đương 75.414 m2 diện tích đất khu nhà ở thuộc khu định cư số 4, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, Tp. HCM.
Đây là quyết định khá bất ngờ của BCI bởi đây là một trong những dự án ưu tiên thực hiện trong ngắn và trung hạn. Trong năm 2016, Khu dân cư Phong Phú 4 cũng đã có chấp thuận điều chỉnh quy hoạch một phần đất cao tầng sang thấp tầng.
Đối tác nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Thuận Phát. Mức giá chuyển nhượng dự kiến là 638 tỷ đồng.
Được biết, Thuận Phát là đơn vị kinh doanh bất động sản được thành lập vào ngày 03/11/ 2016. Thông tin thay đổi đăng ký kinh doanh gần nhất vào ngày 09/5/2017, Thuận Phát có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó danh sách cổ đông gồm có ông Nguyễn Văn Quân sở hữu 30%, Công ty CP Đầu tư và Phát Triển Bất động sản Thế Kỷ sở hữu 20%; Cá nhân Lê Sơn Tùng nắm 5%, Công ty TNHH Đầu tư Sông Nhiêu mới xuất hiện với sở hữu 45%.
Dù vậy chỉ mới thành lập không lâu, nhưng trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 của BCI cho thấy phát sinh giao dịch giá trị lớn với Thuận Phát. Theo đó, BCI ghi nhận khoản phải thu 392 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2016. Con số này vẫn giữ nguyên đến BCTC quý I/2017, BCI mới chỉ nhận khoản ứng trước 20 tỷ đồng từ Thuận Phát. Như vậy, nếu hợp đồng chuyển nhượng được ký kết, tổng giá trị chuyển nhượng mà BCI thực hiện với Thuận Phát sẽ lên đến 1.030 tỷ đồng.
Trước đó, trong năm 2016, BCI cho biết đã thực hiện chuyển nhượng 2 dự án gồm Cao ốc An Lạc Plaza (Western Dragon), Trung tâm Thương mại dịch vụ và Chung cư cao tầng tại địa chỉ 510 Kinh Dương Vương (Western Plaza). Theo thuyết minh báo cáo tài chính quý IV/2016, BCI cho biết doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản đạt 920 tỷ đồng, trong đó giá vốn 859 tỷ đồng. Trong đó, nhiều khả năng Thuận Phát chính là đơn vị đã nhận chuyển nhượng dự án của BCI trong năm trước.
Trong đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, BCI cho biết việc chuyển nhượng các dự án trên nhằm tập trung nguồn lực đầu tư các dự án khả thi hơn. Tuy nhiên, mới đây, BCI cũng đã thông qua việc vay vốn tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB) với số tiền vay/ hạn mức vay vốn là 750 tỷ đồng trong thời hạn 60 tháng để đầu tư vào dự án Khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng (110ha). Báo cáo tài chính quý I/2016 của BCI cho thấy, BCI đã rót 222 tỷ đồng vào dự án này.
Báo cáo cũng cho biết, tổng tài sản đến cuối quý I đạt 2.882 tỷ đồng, giảm 184 tỷ đồng so với đầu năm. Dù vậy, nợ vay dài hạn cũng giảm được 80 tỷ đồng so với đầu năm xuống chỉ còn 178 tỷ đồng, thấp nhất trong nhiều năm qua. Hiện tồn kho bất động sản của BCI đang được ghi nhận tại khoản mục bất động sản dở dang trị giá 1.634 tỷ đồng.
Trong quý I, BCI cũng ghi nhận mức lãi sau thuế đạt hơn 18 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là thu nhập tài chính 31 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng vốn góp tại Công ty TNHH cao Ốc Xanh. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh tiếp tục ghi nhận dòng tiền âm 65 tỷ đồng, góp phần làm dòng tiền thuần trong kỳ giảm 135 tỷ đồng so với thời điểm cuối 2016.
Hiện tại, cơ cấu sở hữu của BCI có 2 cổ đông lớn. Trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền (HOSE: KDH) đang là công ty mẹ sở hữu gần 50 triệu cổ phiếu BCI, tương đương tỷ lệ 57,31% vốn cổ phần. Cổ đông lớn thứ 2 là Ngân hàng TMCP Phương Nam cũng đang nắm hơn 9 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 10,77%.
Biến động giá cổ phiếu BCI trong 1 năm qua
Huy Nguyên