Trái ngược với những màn khai
trương hoành tráng, sự rút lui của nhiều công ty rất âm thầm, lặng lẽ.
Từ rút gọn cho tới giải
thể
Công ty Cổ phần Chứng khoán Sao Việt (SVS) vừa thông báo sẽ
tổ chức ĐHCĐ bất thường nhằm xem xét phương án giải thể công ty.
Thông báo được đưa ra khi DN này đã ngừng hoạt động giao dịch
tại 2 sở giao dịch chứng khoán (chấm dứt tư cách thành viên), rút nghiệp vụ
kinh doanh môi giới chứng khoán và lưu ký chứng khoán.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013 của SVS cho thấy, tới
cuối quý II/2013 SVS chỉ còn 7 nhân viên và kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động
liên tục của công ty do các tình hình kinh doanh phụ thuộc các yếu tố bên
ngoài, không phụ t sự kiểm soát của công ty.
Tới cuối 6/2013, SVS lỗ lũy kế hơn 86 tỷ đồng, chiếm 64% vốn
điều lệ, trong khi giá trị các khoản đầu tư vào các chứng khoán chưa niêm yết lên
tới hơn 45 tỷ đồng. Cho dù đã trích lập gần 20 tỷ nhưng kiểm toán cho biết,
không đánh giá được mức độ hợp lý của các khoản dự phòng do không xác định được
giá trị thị trường tại thời điểm hiện tại.
Trước đó, Chứng khoán Chợ Lớn (CLS) đã quyết định giải thể
công ty (từ 18/4/2013) sau gần 7 năm có mặt trên thị trường với tổng số tiền mặt
còn lại vỏn vẹn hơn 1,3 tỷ đồng và 40 tỷ đồng giá trị đầu tư tài chính. Sau quyết
định giải thể, CLS đã tạm ứng 4.500 đồng/cp cho các cổ đông. Con số này thấp
hơn 500 đồng so với thị giá trước ngày bị hủy niêm yết.
Cổ đông của Công ty Chứng khoán Âu Việt (AVS) hồi cuối tháng
3/2013 cũng đã thông qua chủ trương giải thể công ty và sẽ sớm chia tiền cho cổ
đông theo nhiều giai đoạn khác nhau cho dù việc giải thể có thể kéo dài do thủ
tục.
Như vậy, tới thời điểm này đã có 3 CTCK tự giải thể và đề cập
tới việc giải thể và thêm 3 công ty khác bị UBCK rút giấy phép, bắt buộc dừng
hoàng động là: Hà Nội, Trường Sơn và Delta. Tuy nhiên, nhìn vào những gì đang
diễn ra có thể thấy, có lẽ còn rất nhiều CTCK đang triển khai các kế hoạch rút
lui.
Hàng loạt các CTCK đã co gọn hoạt động, đóng cửa chi nhánh,
đại lý, rút môi giới, rút tư cách thành viên các sàn giao dịch chứng khoán, bị
đình chỉ hoạt động… như trường hợp: Chứng khoán Thủ Đô, An Phát (chấm dứt tư
cách thành viên); Delta, Trường Sơn, Hà Nội (bị chấm dứt hoạt động để thực hiện
thủ tục thu hồi giấy phép); Tràng An, Golden Bridge Việt Nam, SME (tạm ngừng hoạt
động)…
Ông lớn rũ bỏ khúc
xương
Làn sóng rút khỏi TTCK của các CTCK ngày càng trở nên mạnh mẽ
hơn bao giờ hết. Nhiều CTCK bị buộc phải rút khỏi thị trường do không đáp ứng
được các chỉ tiêu an toàn của cơ quan quản lý nhưng cũng có không ít các công
ty lên kế hoạch tự rút lui cho dù chưa hẳn đã thua lỗ và quá bi đát…
Trong trường hợp Sao Việt (SVS), CTCK này không thuộc nhóm
40% báo lỗ trong quý II/2013 nhưng phương án giải thể cho thấy đơn vị này đã
không còn mặn mà với TTCK. Các động thái rút tư cách thành viên, rút môi giới,
rút nhân viên xuống còn vài người… cho thấy hoạt động kinh doanh trong nhiều
năm qua không được như mong muốn, trong khi cơ hội tương lai cũng rất mờ mịt.
Trên thực tế, có rất nhiều NĐT lớn, từ cá nhân cho tới các tổ
chức như các ngân hàng, các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp mạnh ở nhiều lĩnh vực…
đã nhận thấy được sự cạnh tranh khốc liệt và một sự thật kiếm tiền không dễ
dàng khi đầu tư vào chứng khoán.
Trong quý II/2013, cho dù vẫn thuộc tốp những CTCK có quy mô
vốn lớn nhưng Chứng khoán MHB (MHBS) lại đang là quán quân thua lỗ trong kỳ
kinh doanh này với âm 26 tỷ đồng
Một đại gia trong lĩnh vực này là Chứng khoán Sacombank cũng
chứng kiến thua lỗ 18 tỷ đồng trong quý II, nâng tổng lỗ trong 6 tháng lên gần
34 tỷ đồng.
Rất nhiều CTCK khác không những có doanh thu từ môi giới rất
thấp mà còn không có các doanh thu đột biến khác do không dám mạo hiểm, đốt tiền
vào tự doanh, đầu tư như các năm trước đây.
Kiếm tiền từ tự doanh, đầu tư giờ đây xem ra rất khó khăn. Sự
thua lỗ nặng nề của hàng loạt các CTCK trong 1-2 năm gần đây đã khiến các cổ
đông không cho phép ban lãnh đạo các CTCK không được phép quá mạo hiểm như vậy.
Kết quả kinh doanh không có đột biến của gần như toàn bộ các
CTCK trong quý II/2013 phần nào cho thấy thực tế này. Điều mà các cổ đông mong
muốn có lẽ là một sự phát triển bền vững. Ngược lại nếu quá thua lỗ và không có
phương hướng khắc phục thì cách tốt nhất là rút khỏi thị trường.
Tuy nhiên, tập trung vào phát triển bền vững cũng không hề dễ
dàng. Cuộc cạnh tranh thị phần khốc liệt trong quý II vừa qua cho thấy điều
này. Quy mô giao dịch trên TTCK vẫn rất nhỏ bé (với khoảng 4 tỷ USD trong quý
II), trong khi tốp 10 CTCK đứng đầu chiếm tới 95% thị phần. Phần còn lại cho 95
CTCK khác quá nhỏ bé. Không những thế, ngay cả với những CTCK thuộc tốp đầu,
doanh thu từ môi giới cũng chưa đủ bù đắp chi phí. Lợi nhuận vẫn dựa vào cả các
mảng khác như tự doanh và ký quỹ.
Có thể thấy, sau nhiều năm tham gia với tư cách là cổ đông lớn
của các CTCK, nhiều đại gia giờ đây không còn mặn mà với lĩnh vực đầu tư đầy rủi
ro này. Nhiều cổ đông lớn không có quá nhiều ràng buộc với công ty đã âm thầm
thoái vốn. Các cổ đông trụ cột ở các CTCK khác cũng đang tính nước rút gọn hoạt
động, rút công ty ra khỏi thị trường để bảo tồn đồng vốn còn lại, tránh thiệt hại
thêm nữa.
Theo Mạnh Hà