Thị trường chứng khoán trở thành điểm sáng đầu tư trong năm 2017
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng “khẩu vị thận trọng” sẽ là xu hướng chủ đạo trên thị trường chứng khoán năm 2017. Bởi những diễn biến khó dự báo của kinh tế thế giới và mục tiêu phát triển kinh tế Việt Nam gặp nhiều thử thách khi mà những khó khăn hiện tại vẫn còn chưa được giải quyết và phải đối mặt với nhiều chuyển biến mới.
Tương tự với VDSC, Công ty Chứng khoán Mê Kông (MSC) dự báo năm 2017 sẽ có nhiều thách thức với nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) khi đánh giá về kinh tế vĩ mô khá tương đồng với đánh giá của VDSC. Và về triển vọng thị trường chứng khoán trong năm 2017 ACBS cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành “điểm sáng đầu tư” cho công chúng. Đặc biệt trong làn sóng thoái vốn của các doanh nghiệp lớn có cả những doanh nghiệp nhà nước như SAB, ACV, hay những doanh nghiệp có vốn đầu tư và tăng trưởng ấn tượng như VJC sẽ tăng thêm thị phần cho nghiệp vụ môi giới và cung cấp thêm nhiều cơ hội đầu tư.
ACBS cũng cho rằng, việc thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và chứng quyền có đảm bảo sẽ được bắt đầu trong quý III/2017 sẽ là cơ hội phát triển tốt.
Giới đầu tư lâu năm và tổ chức phân tích kinh tế Việt Nam cho rằng, năm 2017 dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều hơn dòng vốn ra. Thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ dòng vốn nước ngoài đặc biệt từ các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc dựa trên các yếu tố chi phí vốn ở các quốc gia này ở mức tương đối thấp so với Việt Nam và thị trường có sức chống chịu tương đối với các yếu tố bất định trên thế giới trong năm qua.
Kế hoạch kinh doanh 2017 – Kẻ thận trọng người lạc quan
Thống kê gần 10 công ty chứng khoán đã công bố kế hoạch lợi nhuận 2017 cho thấy, Chứng khoán Mê Kông và FPTS đang khá thận trọng khi đưa ra các chỉ tiêu kinh doanh. Năm 2017, Chứng khoán Mê Kong đặt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 1 tỷ đồng so với mức thực hiện của năm 2016 là 10,2 tỷ đồng. Chứng khoán FPTS đưa ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế 177 tỷ đồng, giảm 1,82% so với thực hiện năm 2016.
Lãnh đạo FPTS cho rằng, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam nói chung cũng như diễn biến trên thị trường chứng khoán nói riêng. Và thị trường chứng khoán phái sinh FPTS không kỳ vọng có thể tác động mạnh đến kết quả kinh doanh năm 2017 của FPTS do thị trường này mới đi vào hoạt động.
Theo ban điều hành của Chứng khoán Mê Kông “để đảm bảo một năm hoạt động hiệu quả và bền vững phát triển, MSC xây dựng kế hoạch và chiến lược thận trọng.”
Trong khi đó, dù thận trọng với thị trường chứng khoán, Công ty Chứng khoán Rồng Việt đưa ra mục tiêu đạt doanh thu 307,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 80 tỷ đồng tương ứng tăng 29% và 62,3% so với thực hiện năm 2016.
Tương tự VDSC, Công ty Chứng khoán Techcombank (TCBS) đưa ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2017 tăng hơn 30% so với năm 2016 với 788 tỷ đồng.
Ở nhóm các công ty chứng khoán nhỏ như VFS, DNSE, IVS… cũng đưa ra kế hoạch kinh doanh khá lạc quan với chỉ lợi nhuận trước thuế tăng mạnh so với năm 2016. VFS đặt kế hoạch lợi nhuận gần 3 tỷ đồng, so với mức thực hiện gần 1 tỷ đồng năm 2016; DNSE đưa ra kế hoạch lợi nhuận 4 tỷ đồng so với mức thực hiện năm trước là gần 2,4 tỷ đồng; đặc biệt IVS đưa ra kế hoạch lợi nhuận 20,4 tỷ đồng so với mức thực hiện chưa đến 100 triệu của năm 2016.
Con đường còn ở phía trước, các công ty chứng khoán sẽ thực hiện được bao nhiêu % kế hoạch đã đề ra phải chờ đến mùa đại hội năm sau. Nhưng dù vậy, mới đầu mùa số doanh nghiệp đặt kế hoạch lợi nhuận cao nhiều hơn số doanh nghiệp đặt kế hoạch lợi nhuận thấp cho thấy sự lạc quan đang thắng thế trên thị trường chứng khoán.
Theo Hồng Quân
Bizlive