Dư luận người khen, kẻ chê và những tưởng rằng, Đại hội đồng
cổ đông Công ty sẽ là cơ quan tối cao có quyền ra quyết định về việc giữ nguyên
Kim Long như hiện tại hay chuyển Công ty theo hướng đi mới mà HĐQT đặt ra.
Nhưng một câu chuyện khác bất ngờ được mở ra khi Luật sư Trần Vũ Hải phát hiện
ra rằng, Luật Chứng khoán hiện hành không cho phép một CTCK đang hoạt động bình
thường được chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng khoán để chuyển sang hoạt động
kinh doanh khác.
Ngày 3/3/2011, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán
Kim Long (KLS) đã công bố phương án trình Đại hội đồng cổ đông KLS ngày
19/3/2011 về việc chuyển đổi từ Công ty Chứng khoán Kim Long thành Công ty cổ
phần Tập đoàn Kim Long. Theo đó, KLS không còn thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng
khoán nữa, nhưng vẫn kế thừa tất cả những thế mạnh đó, ngoài ra KLS sẽ kinh
doanh bất động sản. Vậy luật pháp xử lý thế nào đối với đề xuất của Hội đồng quản
trị KLS?
Về pháp lý, KLS là một công ty cổ phần, điều chỉnh theo Luật
Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán, trong đó quy định trong Luật Chứng khoán có
ưu tiên áp dụng so với quy định khác của Luật Doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp
cho phép doanh nghiệp tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh. Tuy nhiên, Luật Chứng
khoán quy định (Điều 60): Công ty chứng khoán chỉ được phép kinh doanh những
ngành nghề sau:
a) Môi giới chứng khoán;
b) Tự doanh chứng khoán;
c) Bảo lãnh phát hành chứng khoán;
d) Tư vấn đầu tư chứng khoán.
e) Ngoài các nghiệp vụ kinh doanh trên công ty chứng khoán
được cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính và các dịch vụ tài chính khác.
Theo Luật Doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh (trực thuộc
Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tỉnh) cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho
doanh nghiệp.
Trong khi theo Luật Chứng khoán (Khoản 2, Điều 59), Ủy ban
Chứng khoán Nhà nước là cơ quan cấp Giấy phép thành lập và hoạt động cho cho
công ty chứng khoán. Giấy phép này cũng là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Trong trường hợp KLS, nếu muốn bỏ tư cách công ty chứng
khoán, Công ty này đương nhiên phải đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thu hồi
Giấy phép thành lập và hoạt động (cũng là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh).
Tuy nhiên, Luật Chứng khoán (Khoản 2, Điều 70) lại không quy định trường hợp
thu hồi Giấy phép trên trong trường hợp công ty chứng khoán từ bỏ hoạt động
kinh doanh chứng khoán, chuyển sang hoạt động kinh doanh khác (như hoạt động
kinh doanh BĐS), mà chỉ trong trường hợp công ty giải thể, phá sản và một số
trường hợp khi công ty chứng khoán vi phạm nghiêm trong Luật Chứng khoán.
Nói
cách khác, công ty chứng khoán chỉ có thể giải thể hoặc phá sản mới thoát khỏi
"vòng kim cô" của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Và do đó, nếu Công ty
muốn tiếp tục hoạt động, Công ty không thể chấm dứt hoạt động kinh doanh chứng
khoán, tức không thể chuyển sang hoạt động kinh doanh khác (như kinh doanh
BĐS).
Quy định này cũng là thông lệ đối với những doanh nghiệp ở một
số chuyên ngành đặc biệt. Ví dụ: Một công ty luật không thể tuyên bố không hoạt
động tư vấn luật và chuyển sang hoạt động thương mại; một ngân hàng không thể
quyết định chấm dứt hoạt động ngân hàng để trở thành một tập đoàn sản xuất…
Trong những chuyên ngành đặc biệt này (trong đó có thêm kiểm toán, bảo hiểm,
hành nghề y dược…), nếu doanh nghiệp không hoạt động tiếp trong chuyên ngành
thì doanh nghiệp đó phải chấm dứt hoạt động (giải thể hoặc phá sản), không có
cơ chế chuyển sang hoạt động trong chuyên ngành khác.
Giả thiết rằng, Đại hội đồng cổ đông của KLS thông qua đề xuất
trên của Hội đồng quản trị KLS, chắc chắn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng
không đủ căn cứ pháp lý để chấp nhận phương án theo đề xuất này theo như phân
tích trên.
Việc HĐQT của KLS công bố thông tin về đề xuất trên đã gây xáo trộn
với cổ đông Kim Long nói riêng, TTCK Việt Nam nói chung. Về mặt nào đó, cổ đông
của KLS đã bị thiệt hại vì giá cổ phiếu đã giảm từ 12.200 đồng/CP (trước công bố)
xuống 10.100 đồng/ CP sau khi có tuyên bố trên của Hội đồng quản trị Công ty.
Lẽ ra, trước khi thông qua đề xuất quan trọng này để trình Đại
hội đồng cổ đông, Ban lãnh đạo Công ty cần tham khảo ý kiến của những chuyên
gia pháp lý về chứng khoán, để thẩm định
đề xuất này có thực hiện được không theo pháp luật Việt Nam. Việc lãnh đạo KLS
công bố đề xuất trên khi mà đề xuất này có nhiều khả năng không thể thực hiện
được theo pháp luật Việt Nam hiện hành đã gây hiểu nhầm cho nhiều chủ thể trên
TTCK.
Cơ quan quản lý TTCK mà cụ thể là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần sớm có
quan điểm chính thức về những vấn đề pháp lý liên quan đến khả năng chuyển đổi
ngành nghề hoạt động của công ty chứng khoán, để tạo sự ổn định tâm lý cho nhà
đầu tư, lập lại trật tự thị trường.
Bản thân Ban lãnh đạo KLS cần có sự nghiên
cứu kỹ hơn những vướng mắc pháp lý, chuẩn bị phương án giải trình trước 28.000
cổ đông Công ty về một hướng đi thuyết phục hơn, phù hợp với pháp luật Việt Nam
hơn.
Theo Luật sư Trần Vũ Hải
ĐTCK
Ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán, UBCK
Sau khi UBCK nhận tài liệu của HĐQT CTCK Kim Long gửi ĐHCĐ có nội dung trên, UBCK đã yêu cầu Kim Long giải trình, báo cáo toàn bộ hoạt động, tổ chức và tình hình tài chính của Công ty. UBCK cũng yêu cầu Trung tâm Lưu ký kiểm tra tình hình sở hữu chứng khoán của lãnh đạo Công ty. Báo cáo cho thấy, sở hữu của các chức danh tại Công ty gần đây không có gì biến động lớn, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn cũng không có gì thay đổi.
Theo Luật Chứng khoán, Thông tư 27, CTCK không hoạt động phải thu hồi giấy phép hoạt động do UBCK cấp. Việc thu hồi giấy phép kinh doanh có thể thực hiện theo các hình thức: bắt buộc do CTCK vi phạm quy định trong quá trình hoạt động, không đảm bảo điều kiện duy trì giấy phép; giải thể tự nguyện hoặc khi công ty phá sản. Hiện nay, chúng tôi chưa rõ Kim Long sẽ rút bớt nghiệp vụ môi giới hay rút toàn bộ các nghiệp vụ của CTCK. Do đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, việc Công ty chuyển đổi cần có sự xem xét của cơ quan cấp phép là UBCK. Do chưa nhận được đề nghị và hồ sơ chính thức của Kim Long (Công ty còn chờ ý kiến cuối cùng tại Đại hội), nên UBCK tạm thời yêu cầu các chuyên viên cấp vụ rà soát khung pháp lý, nghiên cứu các quy định liên quan. Trong trường hợp Công ty có hồ sơ, đề nghị chính thức lên UBCK, chúng tôi sẽ có bộ phận chức năng xem xét, giải quyết.
Ông Trần Duy Cảnh, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Luật Việt
Tôi cho rằng, ý tưởng chuyển đổi CTCK Kim Long thành Công ty cổ phần Tập đoàn Kim Long sẽ vướng về mặt pháp lý. Bởi lẽ, hiện nay, pháp luật chưa quy định trường hợp một công ty chứng khoán muốn ngừng kinh doanh các ngành nghề theo quy định và chuyển sang ngành nghề kinh doanh khác thì phải thực hiện những thủ tục gì, mà chỉ quy định trường hợp CTCK đình chỉ hoạt động hoặc giải thể. CTCK Kim Long nếu muốn chuyển đổi được thì cần có bước chuyển đổi phù hợp theo quy định của pháp luật, đặc biệt là Luật Chứng khoán. Sau chuyển đổi, nếu Công ty Tập đoàn Kim Long hoạt động theo Luật Doanh nghiệp thì cần phải làm thủ tục đăng ký kinh doanh theo luật này. Hiện nay, không có văn bản nào "bắc cầu" cho doanh nghiệp chuyển đổi từ Luật Chứng khoán sang Luật Doanh nghiệp.
Có ý kiến cho rằng, Kim Long có thể làm theo hướng, các cổ đông hoặc chính các thành viên HĐQT thành lập 1 công ty mới theo Luật Doanh nghiệp, rồi sau đó sáp nhập CTCK Kim Long vào công ty mới. Theo đó, tất cả tài sản, nhân sự, quyền và nghĩa vụ của CTCK Kim Long sẽ được chuyển giao cho công ty mới. Về lý thuyết là có thể làm như vậy, nhưng hai DN này hoạt động theo hai luật khác nhau, mà mỗi luật đều có quy định riêng về việc thành lập, giải thể, sáp nhập. Điều quan trọng nhất là pháp luật Việt Nam hiện không văn bản nào quy định vấn đề này.
Kim Lan - Anh Việt ĐTCK |