MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

THÔNG TIN CÔNG TY

Thứ 4, 14/09/2022, 08:52
DHB

 Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (UpCOM)

Giá hiện tại: DHB 8.7 0(0) Biểu đồ GTGD và KLGD trong 1 tháng Thông tin tài chính Hồ sơ công ty GDCĐ lớn & CĐ nội bộ Facebook message
Lãi lớn sau khi chuỗi ngày thua lỗ, tương lai nào cho Đạm Hà Bắc?
Lãi lớn sau khi chuỗi ngày thua lỗ, tương lai nào cho Đạm Hà Bắc?

Kinh doanh khởi sắc từ 2021 song Đạm Hà Bắc vẫn đối diện các khoản nợ tài chính lớn. Để phát triển lâu dài bền vững, giải pháp quan trọng và cấp bách nhất đối với Đạm Hà Bắc là cơ cấu tài chính.

Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc ( UPCoM: DHB ) đã bắt đầu kinh doanh khởi sắc từ 2021 đến nay, song doanh nghiệp vẫn đang tìm cách cơ cấu tài chính để phát triển bền vững.

Vay nợ mở rộng dự án dẫn đến thua lỗ

Đạm Hà Bắc từng được xem là cánh chim đầu đàn của ngành sản xuất phân đạm và hoá chất của cả nước, nổi tiếng với thương hiệu urê Hà Bắc. Từ năm 2014 trở về trước, công ty thường xuyên kinh doanh có lãi, tuy nhiên, tình hình đã thay đổi lớn từ 2015.

Dự án mở rộng kết hợp với cải tạo dây chuyền sản xuất của Đạm Hà Bắc được vận hành đi vào sản xuất năm 2015 đã tăng công suất nhà máy từ 180 ngàn tấn lên 500 ngàn tấn mỗi năm. Sau khi mở rộng, nhà máy Đạm Hà Bắc vận hành ổn định, nhưng lại chuyển từ có lãi sang thua lỗ. Nguyên nhân cơ bản là do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng và chi phí tài chính rất lớn, với các khoản vay ngân hàng có lãi suất cao và phải chịu lãi phạt (do không trả đúng hạn) dẫn đến lãi chồng lãi.

Tính bình quân giai đoạn 2015 - 2020, lãi vay chiếm khoảng 24% giá thành sản xuất của Đạm Hà Bắc. Tổng số nợ vay đầu tư của dự án là 7.207 tỷ đồng trong đó Ngân hàng Phát triển (VDB) là 4.125 tỷ đồng, ngân hàng thương mại là 3.082 tỷ đồng.

Riêng khoản vay VDB, nợ vay ban đầu là 4.125 tỷ thì đến 31/12/2021, công ty đã trả 2.323 tỷ nhưng vẫn còn nợ tới 6.400 tỷ đồng (trong đó nợ gốc 3.042 tỷ, lãi 3.358 tỷ đồng). Lãi suất vay vốn bình quân là 10,43%/năm, lãi phạt 15,64%.

Kết quả giai đoạn 2015 - 2020, Đạm Hà Bắc thua lỗ bình quân vài trăm tỷ mỗi năm, riêng 2020 lỗ kỷ lục 1.641 tỷ đồng.

Lãi lớn sau khi chuỗi ngày thua lỗ, tương lai nào cho Đạm Hà Bắc? - Ảnh 1.

Dự án của Đạm Hà Bắc lọt vào danh sách 12 dự án yếu kém ngành Công Thương.

Kinh doanh khởi sắc nhờ giá phân bón lên cao

Từ đầu năm 2020 đến nay, giá phân bón đã chứng kiến đợt tăng mạnh thứ 3 trong khoảng 50 năm trở lại. Nguyên nhân là do xung đột Nga - Ukraine và những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 khiến giá nguyên liệu đầu vào cho phân bón cũng khan hiếm và tăng cao.

Theo báo cáo ngành phân bón cập nhật ngày 31/8 của SSI Research, hiện tại giá urê đã có tín hiệu phục hồi từ đáy, tức sớm hơn dự kiến ban đầu là vào quý IV/2022. Giá urê Trung Quốc và Ai Cập đã giảm 45% và 35% từ đỉnh, và gần đây đã tăng lần lượt 4% và 10% từ đáy.

Nhu cầu urê suy yếu do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và do quý III thường là quý tiêu thụ thấp điểm. Mùa cao điểm quý IV sẽ hỗ trợ phục hồi nhu cầu tiêu thụ urê. Tuy nhiên, trước lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự điều chỉnh giá các mặt hàng nông nghiệp, nhu cầu đối với phân urê có thể sẽ không phục hồi nhiều trong quý cuối năm.

Lãi lớn sau khi chuỗi ngày thua lỗ, tương lai nào cho Đạm Hà Bắc? - Ảnh 2.

Nhờ giá urê tăng, kết quả kinh doanh của Đạm Hà Bắc khởi sắc. Tuy nhiên, năm 2021, Bắc Giang có thời gian dài là tâm dịch, chuỗi cung ứng gián đoạn, nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh cùng với gánh nặng chi phí tài chính.

Song, Đạm Hà Bắc cho biết đã chủ động thực hiện “3 tại chỗ” nên không bị gián đoạn sản xuất. Đồng thời, nhờ diễn biến thị trường thuận lợi, giá u-rê trên thị trường thế giới và trong nước đều trong xu thế tăng cao so với cùng kỳ, nên kết quả sản xuất kinh doanh đã tích cực hơn.

Cụ thể, tổng doanh thu năm 2021 đạt 4.499 tỷ đồng, tăng 63% so với 2020. Công ty thoát lỗ và có lãi ròng 2 tỷ đồng. Cũng trong 2021, Đạm Hà Bắc đã trả nợ cho các ngân hàng 1.546 tỷ đồng.

Lãi lớn sau khi chuỗi ngày thua lỗ, tương lai nào cho Đạm Hà Bắc? - Ảnh 3.

LNST cổ đông công ty mẹ của Đạm Hà Bắc từ 2014 đến nay. Đơn vị: Tỷ đồng. Nguồn: Tổng hợp từ các BCTC.

Tình hình thậm chí còn khả quan hơn khi bước qua năm 2022. Nhờ giá bán tăng cao kỷ lục, nhiều doanh nghiệp trong ngành phân bón đã ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng và Đạm Hà Bắc cũng không ngoại lệ. Doanh thu 6 tháng đầu năm của đơn vị này đạt 3.585 tỷ, tăng 91% so với cùng kỳ năm 2021. Lãi ròng đạt 1.347 tỷ đồng và là đơn vị có lợi nhuận cao nhất Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).

Nhờ đó, đến 30/6, vốn chủ sở hữu của Đạm Hà Bắc chỉ còn âm 685 tỷ, lỗ lũy kế chưa phân phối còn 3.407 tỷ, trong khi đầu năm lỗ 4.753 tỷ đồng. Khoản vay nợ tài chính cũng thu hẹp đáng kể 38% còn hơn 3.720 tỷ đồng.

Tái cơ cấu nợ là giải pháp dài hạn

Năm 2022, công ty đề ra kế hoạch doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng, gần gấp đôi so với 2021. Mặc dù vậy, lợi nhuận dự kiến chỉ chưa đến 9 tỷ đồng. Kế hoạch kinh doanh này được thông qua cuộc họp ĐHCĐ thường niên hồi tháng 4.

Lãi lớn sau khi chuỗi ngày thua lỗ, tương lai nào cho Đạm Hà Bắc? - Ảnh 4.

Nguồn: Đạm Hà Bắc.

Kế hoạch thận trọng đặt ra trong bối cảnh khó khăn vẫn còn bủa vây lấy Đạm Hà Bắc. Ban lãnh đạo nhận định tình hình hoạt động của công ty sẽ gặp nhiều thách thức trong năm nay. Thứ nhất, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khó lường ảnh hưởng đến các mặt hoạt động sản xuất kinhd doanh. Thứ hai, nguồn than khan hiếm và giá than tăng mạnh (do chiến tranh giữa Nga – Ukraine và ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt Nga) làm ảnh hưởng đến việc cung cấp than cho sản xuất và làm gia tăng chi phí.

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Đạm Hà Bắc vẫn tiếp tục âm, dòng tiền cho sản xuất tiếp tục khó khăn. Cuối cùng, do làn sóng chuyển dịch từ đầu tư nước ngoài vào địa bàn dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt về nguồn nhân lực giữa các doanh nghiệp, tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng hơn do lao động hiện tại chuyển việc, lao động tuyển mới không đủ và không kịp đào tạo.

Kinh doanh đi lên nhờ yếu tố thị trường nhưng rõ ràng Đạm Hà Bắc vẫn còn đó những vấn đề cố hữu.

Hiện tại, giá phân bón vẫn đang diễn biến khó lường. Trong khi đó, giá than - đầu vào của công ty - được dự báo sẽ càng tăng về cuối năm. Do đó, để phát triển lâu dài bền vững, giải pháp quan trọng và cấp bách nhất đối với Đạm Hà Bắc là cơ cấu tài chính.

Vinachem và Đạm Hà Bắc cho biết hiện đang bám sát các kết luận của Ban Chỉ đạo, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ngành để hoàn thiện đề án tái cơ cấu.

Ngày 13/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo nhiều bộ ngành đã trực tiếp thị sát, kiểm tra và làm việc với các bộ ngành tại nhà máy để xem xét quyết định những giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của công ty.

Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng những yếu kém xảy ra tại dự án mở rộng, nâng công suất Nhà máy đạm Hà Bắc là do công tác xây dựng đề án chưa sát thực tế, không đánh giá được việc cơ cấu vốn, trả nợ, lãi suất vay khiến chi phí tài chính rất lớn đã đẩy dự án vào cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, sau khi dự án đi vào hoạt động, giá nguyên nhiên liệu tăng cao gấp hơn 2 lần so với trước đó, trong khi giá phân lại giảm. Để khắc phục, Đạm Hà Bắc cần được tái cơ cấu tài chính. Theo đó, cần khoanh nợ, điều chỉnh lãi suất, kéo dài thời hạn vay, dừng tính lãi phạt...

Thủ tướng đã chỉ ra một số hướng giải quyết khó khăn, vướng mắc. Trong đó, phải tái cơ cấu sản phẩm hàng hóa, tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng đa dạng sản phẩm; cải tiến, nâng cao năng suất lao động, cải tiến quy trình sản xuất; xây dựng nhà máy xanh, sạch, bền vững...

Tựu trung lại, hoạt động kinh doanh của Đạm Hà Bắc đang ảnh hưởng nhiều từ yếu tố thị trường. Những vấn đề nội tại của doanh nghiệp đã giảm bớt phần nào nhưng vẫn còn hiện hữu. Công ty đang muốn thực hiện tái cơ cấu tài chính để có thể phát triển bền vững trong dài hạn.

Theo Bạch Khôi

Người đồng hành

Các tin khác
DHB: Ông Nguyễn Đức Ninh thôi giữ chức Tổng giám đốc công ty
Bất ngờ báo lỗ 100 tỷ đồng trong khi năm trước vừa lãi ngàn tỷ, Đạm Hà Bắc nói nguyên nhân do “sét đánh”
Xuất hiện công ty đầu tiên báo lỗ hơn 100 tỷ đồng trong quý 2/2024 khi năm trước vừa lãi gần nghìn tỷ
DHB: Ký hợp đồng soát xét và kiểm toán báo cáo tài chính năm 2024
DHB: Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hà Anh - đã mua 349.300 CP
DHB: Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hà Anh - đăng ký mua 400.000 CP
DHB: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024
DHB: Thay đổi nhân sự thành viên HĐQT Công ty
DHB: Giải trình việc duy trì diện cảnh báo
DHB: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông
(*) Lưu ý: Dữ liệu được tổng hợp từ các nguồn đáng tin cậy, có giá trị tham khảo với các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, chúng tôi không chịu trách nhiệm trước mọi rủi ro nào do sử dụng các dữ liệu này.