Lâu rồi mới liên lạc lại với anh bạn tên Như trước đây thường
“ ăn dầm nằm dề” ở mấy sàn chứng khoán. thật bất ngờ khi biết anh đang là nhân
viên văn phòng của một công ty với công việc ổn định.
Từng là một trader không chỉ chơi chứng cho mình mà còn “đánh”
cho nhiều người khác, anh kể một số bạn bè, người quen là môi giới “chứng” giờ
cũng đã thay đổi số điện thoại, đổi nghề và phần lớn đi làm công việc văn
phòng.
Anh Đức (TPHCM), vốn có thâm niên làm môi giới cho một CTCK
nhưng từ năm ngoái, đã quyết định về làm phân tích chứng khoán cho một trang
tin điện tử.
Nếu kể ra từng trường trường hợp về thay đổi công việc của
nhân sự trong ngành chứng khoán sau khi nghỉ việc có lẽ bảng thống kê phải lên
tới cả ngàn người.
Lý do rời nghề hầu hết vì tình hình kinh tế, doanh nghiệp
khó khăn, phải co hẹp. Nhưng cũng có người ra đi bởi cảm giác mệt mỏi.
Trưởng bộ phận phân tích kỹ thuật cho quỹ đầu tư tại TP.HCM
kể: mới cuối tháng 9, anh quyết định nghỉ việc. Thắc mắc tại sao anh không tiếp
tục công việc trong khi nhiều người muốn ở lại không được, anh cho biết hưởng
lương cao nhưng không tạo ra được giá trị cho công ty, tự mình thấy nản.
Thống kê chỉ riêng trong tháng 10/2012, Sở Giao dịch chứng
khoán đã thông báo đình chỉ hoạt động đối với đối với CTCP Chứng khoán Trường
Sơn (TSS), CTCP Chứng khoán Cao Su (RUBSE) cho đến hết tháng 4/2013. CTCP Chứng
khoán Golden Bridge Việt Nam (GBVS) cũng vừa hết hạn đình chỉ hoạt động.
Trong tháng 10, thêm một công ty đóng cửa phòng Giao dịch ở
Quận 1, TP.HCM, ba trường hợp thay đổi địa điểm trụ sở chính, chi nhánh và 9
thông tin về thay đổi nhân sự từ thành viên Hội đồng quản trị đến Ban tổng giám
đốc.
Ông Đặng Quang Tý, Quyền Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Châu
Á (ASC) chia sẻ, tại công ty ông từ đầu năm đến giờ vẫn có một vài sự thay đổi
nhân sự, song không lớn lắm.
Với công ty, ASC đặt mục tiêu hoạt động ổn định lên trên hết
và cũng không có nhu cầu cho nhân sự mới- Ông Tý cho hay
Theo Trần Anh
Tiền Phong