Năm 2012, trong
khi các doanh nghiệp lớn, các tổng công ty, tập đoàn kinh tế chật vật với khó khăn, thách thức
của các biến cố vĩ mô tiêu cực, thì không ít doanh nghiệp nhỏ với vốn điều lệ vỏn
vẹn vài chục tỷ đồng lại tạo ra những khác biệt. Có vẻ như câu thành ngữ “lợi
thế nhờ quy mô” không phải lúc nào cũng đúng, một doanh nghiệp có quy mô nhỏ lại
tránh bão tốt hơn những doanh nghiệp khổng lồ và cồng kềnh.
Đa dạng về ngành nghề
Tiêu chí lựa chọn
10 doanh nghiệp của chúng tôi bao gồm các doanh nghiệp có vốn điều lệ nhỏ nhất
thuộc Top 30 doanh nghiệp có EPS cao nhất toàn thị trường hiện nay. Thống kê
cho thấy, 10 doanh nghiệp được lựa chọn có ngành nghề rất đa dạng, không tập
trung vào một nhóm ngành nghề nào. Rõ ràng những kết quả khả quan mà doanh
nghiệp đạt được không dựa vào những thuận lợi chung của ngành nghề kinh doanh.
Thậm chí, có thể thấy có đến 2 doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng – một ngành vốn
chịu nhiều khó khăn trong năm qua do thị trường bất động sản đóng băng.
Vốn điều lệ dưới 40 tỷ đồng
Trong số 10 doanh
nghiệp nói trên, ngoài HGM hiện với EPS cao kỷ lục toàn thị trường (trên 22.000
đồng/CP) có vốn điều lệ lên tới 63 tỷ đồng, 9 doanh nghiệp còn lại đều có vốn
điều lệ dưới mức 40 tỷ đồng, bằng một phần ba quy mô tối thiểu của một công ty
đại chúng bắt buộc phải công bố thông tin.
Với mức vốn điều
lệ này, việc xoay xở hoạt động đã là điều rất tài tình của nhà quản trị, đặc biệt
trong điều kiện khó khăn hiện nay. Không những sống qua bão, các doanh nghiệp
này còn gặt hái được những thành quả không ít doanh nghiệp lớn hơn thèm muốn,
lãi hàng chục tỷ đồng trong năm 2012.
Điều đáng lưu ý,
biên lãi gộp của các doanh nghiệp ở mức khá cao, bình quân đạt 24%. Như vậy, tỷ
trọng giá vốn thấp đã góp phần đáng kể tạo nên lợi nhuận ở mức khá cho các
doanh nghiệp này.
TCT là doanh nghiệp
có biên lãi gộp cao kỷ lục, đạt 97,5%. Từ năm 2007 đến 2012, doanh nghiệp này
tăng trưởng lợi nhuận bình quân 27,4%/năm, riêng 2011, lợi nhuận TCT tăng gấp
rưỡi so với năm 2010. Kết quả này có được nhờ công ty chỉ tập trung vào khai
thác các dịch vụ và hoạt động tại Núi Bà mà không vay mượn đầu tư dàn trải vào
các lĩnh vực khác.
Nợ gấp 2 lần vốn chủ, LNST chưa phân phối vượt vốn
điều lệ
Trên thực tế, “không
vay nợ” không phải là chìa khóa thành công của các doanh nghiệp. Trong số các
doanh nghiệp kể trên, chỉ có 3 doanh nghiệp có nợ phải trả thấp hơn vốn chủ,
bình quân nhóm doanh nghiệp này có tỷ trọng nợ/vốn chủ sở hữu bằng 2,24 lần.
Với quy mô nhỏ hẹp,
để đầu tư vào hoạt động kinh doanh, luân chuyển dòng tiền, việc vay nợ là không
tránh khỏi. Sử dụng đòn bẩy đúng cách đã giúp các doanh nghiệp tăng lợi nhuận,
tạo EPS ở mức đáng kể.
Một chỉ tiêu mà
các nhà đầu tư luôn quan tâm tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, đó là lợi
nhuận sau thuế chưa phân phối. Với nguồn lợi nhuận này, không ít doanh nghiệp sử
dụng để mở rộng kinh doanh, hứa hẹn những thu nhập đáng kể trong tương lai, hoặc
đơn giản hơn cả là chi trả cổ tức cho các cổ đông hiện hữu.
Quan sát chỉ tiêu
này, chúng tôi nhận thấy hầu hết nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến
thời điểm cuối năm 2012 của các doanh nghiệp đều vượt hoặc xấp xỉ vốn điều lệ,
cá biệt có HGM lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gấp 2,1 lần vốn điều lệ, đạt
134 tỷ đồng.
Mức giá khủng
Với những chỉ số
tài chính sáng sủa nói trên, không khó hình dung khi giá cổ phiếu các doanh
nghiệp đều ở mức ngất ngưởng so với mức giá bình quân thị trường hiện nay. HGM
hiện là một trong các cổ phiếu nóng của thị trường không chỉ với mức EPS kỷ lục,
mà còn với mức giá khủng, 97.000 đồng. CAP và KTS, hai doanh nghiệp nông lâm sản
và mía đường có cổ phiếu hiện đang được thị trường đánh giá thấp nhất, căn cứ
vào mức P/E được cho là hấp dẫn, chỉ trên 2 lần.
Ngoài ra, khá nhiều doanh nghiệp nhỏ khác như LDP đạt EPS gần 6.000 đồng.
Một số chỉ tiêu chính của các doanh nghiệp được trình
bày qua bảng sau: